Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ: TP.HCM biến áp lực thành động lực mạnh mẽ để thực hiện Nghị quyết 98
Với các thẩm quyền được Quốc hội trao trong Nghị quyết 98, HĐND TP.HCM sẽ chủ động, khẩn trương nhưng luôn đảm bảo sự chặt chẽ khi ban hành các quyết sách để thực hiện nghị quyết này.
Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ vừa chính thức ký ban hành Nghị quyết 98/2023 của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP, nói: “TP đón nhận nghị quyết mới trong tâm thế rất phấn khởi, vui mừng nhưng nói thật là lo lắng cũng không ít. Phấn khởi, vui mừng là vì với nghị quyết này, TP đã nhận được sự tin cậy, ủng hộ rất cao từ trung ương, QH, Chính phủ, của người dân TP; còn lo lắng là bởi khối lượng công việc tới đây khi tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết 98, phải nói là rất lớn. Trong đó có những việc rất khó, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn, nỗ lực, quyết tâm cao độ của toàn hệ thống chính trị, để chuyển hóa những nội dung của nghị quyết thành giá trị phát triển cho TP.HCM”.
.Phóng viên: Thưa bà, trong những cơ chế đặc thù mà Nghị quyết 98 trao cho TP.HCM, có thể thấy vai trò, thẩm quyền được đặt lên vai HĐND TP là rất lớn. Với vai trò là Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà có thấy áp lực nhiều về điều này không?
+ Bà Nguyễn Thị Lệ: Như tôi đã nói trên đây, áp lực là không tránh khỏi nhưng nếu đó là những áp lực cần thiết cho sự phát triển của TP lúc này và cả về lâu dài thì không chỉ bản thân tôi, mà tôi nghĩ các đại biểu HĐND TP và cả hệ thống chính trị của TP sẵn sàng biến những áp lực đó thành động lực của mình.
Chính vì thế, TP đã chủ động chuẩn bị ở nhiều khâu để triển khai và vận hành Nghị quyết 98. UBND TP đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng; chủ động phân công các cơ quan, sở, ngành, địa phương chuẩn bị đề án, kế hoạch để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của nghị quyết để trình HĐND TP xem xét, thông qua.
Thường trực HĐND TP đã chủ động phân công cho các ban chuyên môn lên kế hoạch, làm việc với các sở, ngành để các đơn vị này sớm tham mưu cho UBND TP hoàn thiện các tờ trình, trình HĐND xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 này. HĐND TP cũng sẵn sàng tổ chức các kỳ họp chuyên đề, đột xuất để xem xét, thông qua các tờ trình mà UBND TP thấy cần thiết khi triển khai, thực hiện Nghị quyết 98.
Với trách nhiệm của HĐND TP, chúng tôi sẽ rất khẩn trương nhưng cũng luôn thận trọng, chặt chẽ, để việc ban hành các chính sách, cơ chế thuộc thẩm quyền đúng nhất với tinh thần Nghị quyết 98 đã trao cho.
. Theo Nghị quyết 98, vai trò của HĐND TP.HCM trong việc quyết định các chính sách liên quan đến quản lý đầu tư là rất lớn. Bà có thể nói rõ hơn về những thẩm quyền của HĐND TP đối với các quyết sách trong lĩnh vực này?
+ Hạ tầng giao thông công cộng của TP.HCM trong nhiều năm qua chưa thể đáp ứng được nhu cầu của gần 14 triệu dân, là điểm nghẽn cố hữu mà hiện tại TP chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Nghị quyết 98 cho phép TP thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD - Transit Oriented Development). Đây là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nếu làm được thì đây là một cơ hội tốt để TP trở thành địa phương đi đầu của cả nước trong việc áp dụng thí điểm mô hình TOD.
Ở nội dung này, HĐND TP được quyền quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định.
TP sẽ chủ động trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện đầu tư các dự án thuộc vùng phụ cận tại các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.
Một điểm khác, HĐND TP cũng được quyết định việc sử dụng ngân sách TP để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa TP và địa phương khác…
Hiện nay, nhu cầu đầu tư các dự án có tính chất vùng, liên vùng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm của khu vực là rất lớn. Trong khi đó, một số địa phương khác trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ngân sách trung ương chưa cân đối được, nhiều dự án có tính động lực, liên vùng thuộc địa giới hành chính của các địa phương khác kết nối với TP chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện.
Trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM giữ vai trò chủ lực thì việc kết nối với các địa phương là rất cấp thiết. Nội dung này nhằm góp phần huy động nguồn lực của ngân sách TP vào các dự án liên vùng để sớm hoàn thành, giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.HCM bằng cách giúp các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ giảm ùn tắc giao thông…
Cùng với đó, HĐND TP.HCM cũng được quyền quyết định các chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực như tài chính, quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường…, ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tất cả các khu đất, thửa đất…
. Một vấn đề được coi là lâu dài nhưng cũng rất cấp thiết của TP.HCM là làm sao để thu hút những cán bộ có năng lực, trình độ cao vào phục vụ trong bộ máy chính quyền TP. Hơn nữa, với tính chất là một siêu đô thị như TP.HCM thì rất cần một cơ chế để TP có thể chủ động hơn trong công tác tổ chức cán bộ, nhân sự thực hiện nhiệm vụ. Vậy những thẩm quyền được quy định tại Nghị quyết 98 về tổ chức bộ máy đã giúp giải quyết những vấn đề gì cho TP, thưa bà?
+ Về tổ chức bộ máy của TP, HĐND TP được quyền quyết định những chủ trương, chính sách hay quyết định đổi mới về quản trị của TP.
Số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại TP hiện nay được phân bổ theo Nghị định 34/2019. Trong quá trình áp dụng, TP đã phát sinh những khó khăn do số lượng cán bộ, công chức cấp xã được phân bổ chưa phù hợp với các phường, xã, thị trấn đông dân; có địa hình rộng, tính chất phức tạp và đang trong quá trình đô thị hóa.
TP cũng thiếu nguồn lực cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở, đồng thời không thể chủ động trong việc bố trí cơ cấu, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm của từng địa bàn.
Đây là những vấn đề mà TP.HCM vẫn chưa tìm được lời giải trong suốt thời gian qua. Sự bất cập về tổ chức biên chế trong khi khối lượng công việc quá nhiều khiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Áp lực công việc quá lớn cũng khiến đội ngũ mất đi tính sáng tạo, tìm tòi, đổi mới.
Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP được quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các xã, phường, thị trấn dựa trên quy mô dân số và đặc điểm địa bàn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn; bố trí ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách…
Điều này sẽ tạo tính chủ động cho TP trong xây dựng nguồn lực tại cơ sở đáp ứng công tác triển khai các nội dung quản lý nhà nước tại địa phương, thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng cần nói thêm khâu đột phá cho TP trong thời gian tới là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thực hiện những mục tiêu này, cần có chính sách đủ mạnh, cơ chế khuyến khích, ưu đãi đủ mức hấp dẫn. Bởi nhiều năm qua, TP vẫn chưa thể thu hút nhiều chuyên gia, người tài, người trẻ vào hệ thống.
Với Nghị quyết 98, HĐND TP được phép quy định tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xác định trên cơ sở trình độ, năng lực và yêu cầu công việc; thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…
HĐND TP được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của TP; quyết định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của TP.
Những chính sách này sẽ giúp tạo động lực thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nâng cao năng lực tích lũy, năng lực cạnh tranh qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo hiệu ứng lan tỏa cho các nền kinh tế khác. Đồng thời, thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực ưu tiên của TP.
Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo trong tương lai để phục vụ cho các chương trình lớn của TP; nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế TP.
Như vậy, QH đã trao quyền cho TP.HCM nhiều hơn, không còn nặng cơ chế xin-cho như trước, thẩm quyền của HĐND TP cũng được nâng lên cao hơn. Chúng tôi cũng ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc ban hành các quyết sách liên quan, bám sát thực tiễn cơ sở để có những giải pháp cụ thể cho đội ngũ và bộ máy của mình, làm sao để vận hành trơn tru mọi việc nhất có thể.
Xin cảm ơn bà!