Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Một số cấp, ngành làm chưa hết trách nhiệm trong quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông

Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh,đến giờ này tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông tại Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, công tác xử lý các trạm trung chuyển vật liệu xây dựng chưa dứt điểm, có các con số khác nhau về số liệu các trạm đang tồn tại... Vấn đề đặt ra là tại sao Thành phố đã có hàng chục văn bản, phân công trách nhiệm rõ ràng, nhưng vi phạm vẫn xảy ra? Nguyên nhân chính là do một số cấp, ngành làm chưa hết trách nhiệm thuộc lĩnh vực tham mưu của mình, chưa theo sát đến cùng...

Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận Phiên chất vấn nhóm vấn đề "Quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi lòng sông" sáng nay (8/12) tại Kỳ họp thứ 18 HĐND TP khóa XV nhấn mạnh: Việc quản lý khai thác cát sỏi đã được đưa vào các Luật, văn bản của T.Ư và TP, trong đó có hẳn luật về quản lý khoáng sản trong đó sau khi có Luật năm 2010, Chính phủ có Nghị định hướng dẫn, mới nhất năm 2020 có Nghị định 23 quy định rõ về quản lý khai thác cát sỏi lòng sông. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước này, nhưng thực tế qua các ý kiến tại chất vấn cho thấy cũng nhiều khó khăn trong lĩnh vực này, do hoạt động khai thác mang lại lợi nhuận cao, hành vi hiện đại, liên quan nhiều cấp ngành, nhiều địa giới, tỉnh, huyện…

Theo Chủ tịch HĐND TP, Hà Nội đã rất quyết liệt nhưng vẫn là vấn đề đặt ra với các cấp ngành TP. Tại phiên đã có 19 đại biểu đặt câu hỏi, trong đó tới 60% không phải là chuyên trách HĐND mà ở các quận huyện, lĩnh vực, cho thấy rất được quan tâm. 14 lượt trả lời, trong đó có Phó Chủ tịch UBND TP, giám đốc các sở cho đến chủ tịch UBND xã, từ đó có thể khẳng định HĐND TP chọn chủ đề hôm nay đúng với yêu cầu của TP và trúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, yêu cầu quản lý của TP. UBND TP đã xác định đây là việc khó cần có những văn bản chỉ đạo của cấp TP, nên tháng 11/2010 mới có Luật nhưng từ tháng 6/2010 UBND TP đã có quy hoạch về sử dụng cát, đá, sỏi trên địa bàn TP và có quyết định phân công phân nhiệm các cấp ngành; đến nay UBND TP đã có 32 văn bản chỉ đạo, có quy hoạch và có bổ sung quy hoạch, có 2 đề án và phương án xác định các mỏ khai thác, 20 văn bản đôn đốc các cơ sở… UBND TP đã xác định trách nhiệm, đã cụ thể hóa Luật bằng hệ thống văn bản, có quyết định từ năm 2014 phân công phân nhiệm cho các ngành. Với những nỗ lực quyết tâm như vậy, đến thời điểm này, TP đã cấp phép được cho 8 DN khai thác trên địa bàn 5 quận huyện, xem xét phê duyệt khởi điểm bước giá để đấu thầu quyền khai thác khoáng sản ở 5 điểm mỏ, cấp phép 6/200 bến thủy nội địa, giải tỏa 36 bãi chứa không đủ điều kiện... Các lực lượng chức năng, các sở đều có kế hoạch phát hiện và xử lý vi phạm, từ đầu năm 2020 đến nay phát hiện 68 vụ với 140 đối tượng vi phạm khai thác cát sỏi lòng sông, tạm giữ 84 phương tiện tàu thuyền, xử phạt hành chính 49 vụ với 1,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 2 vụ… TP đã rất cố gắng, nên một số nơi như Đan Phượng, Phúc Thọ…, việc khai thác cát trái phép đã giảm, các đối tượng khai thác quy mô nhỏ hơn…

 Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên chất vấn

Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên chất vấn

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP nêu rõ, đến giờ phút này việc khai thác cát sỏi lòng sông vẫn diễn biến phức tạp, khai thác trái phép hoặc sai phép, trong khi công tác xử lý các trạm trung chuyển VLXD chưa dứt điểm, vẫn để tồn tại, có các con số khác nhau về các trạm tồn tại... Từ các ý kiến, đặt ra vấn đề tại sao TP đã có hàng chục văn bản, phân công trách nhiệm rõ nhưng vi phạm vẫn xảy ra? Nguyên nhân chính là do một số cấp, ngành làm chưa hết trách nhiệm thuộc lĩnh vực tham mưu của mình, chưa theo sát đến cùng.

Từ đó, để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP tập trung vào các giải pháp: Thứ nhất, trong Triển khai thực hiện Nghị định 23 năm 2020, cần rà soát ngay việc thực hiện các quyết định phân công phân nhiệm đến đâu, có chế tài xem xét trách nhiệm người đứng đầu những nơi để xảy ra tình trạng UBND dù chỉ đạo nhiều lần, Luật đã quy định nhưng cấp dưới chưa thực hiện; rà soát các quy hoạch đã có xem thực hiện đạt kết quả gì, chỗ nào không hợp lý thì bỏ ra, bổ sung. Đồng thời, cần sớm phê duyệt quy hoạch các bến thủy nội địa, trạm trung chuyển VLXD; rà soát việc thực hiện quy chế phối hợp với 8 tỉnh, xem trách nhiệm của các bên, để phối hợp chặt chẽ hơn.

Thứ hai, UBND TP cần giao các quận huyện trên địa bàn còn có vi phạm tiến hành rà soát, phân loại những khó khăn, đề ra thời gian thực hiện và hoàn thành, gắn trách nhiệm địa phương trong giải quyết tồn tại.

 Quang cảnh Phiên chất vấn

Quang cảnh Phiên chất vấn

Thứ ba, UBND TP nghiên cứu các kiến nghị đề xuất của quận huyện về thiết bị, bộ máy để đảm bảo hiệu lực hiệu quả địa phương, những gì thuộc thẩm quyền HĐND TP thì cần đề xuất để sớm ban hành cơ chế chính sách phục vụ công tác quản lý. Về trang thiết bị cấp xã, Công an TP nghiên cứu bố trí cho phù hợp; Sở Nội vụ nghiên cứu hệ thống tổ chức với Thanh tra GTVT, Công an xã để có bộ phận thực hiện.

Thứ tư, đối với cấp xã, cần tăng tuyên truyền đến người dân để phát hiện vi phạm, cùng chính quyền thực hiện.

“Nội dung này lần đầu được hiện giám sát và cũng là vào Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, nên đề nghị ghi vào nghị quyết sẽ chuyển tiếp nội dung này đến HĐND khóa sau, sau 1 năm HĐND TP sẽ tái giám sát” - Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.

Nhóm PV thời sự

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chu-tich-hdnd-tp-nguyen-thi-bich-ngoc-mot-so-cap-nganh-lam-chua-het-trach-nhiem-la-mot-nguyen-nhan-cua-tinh-trang-vi-pham-khai-thac-cat-soi-long-song-403723.html