Hà Nội: quy định nhượng quyền khai thác, quản lý công trình hạ tầng văn hóa
Sáng 19/11, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô.
Nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị
Mục đích của nghị quyết Nghị quyết Quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội nhằm vừa triển khai thực hiện hiệu quả quy định tại Luật Thủ đô, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản công, đặc biệt là các công trình hạ tầng văn hóa - thể thao, công trình kiến trúc có giá trị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; vừa bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác tối đa các giá trị về lịch sử, cảnh quan, văn hóa, du lịch của công trình.
Nghị quyết gồm 5 Chương, với 25 Điều, trong đó quy định đối tượng áp dụng gồm 3 nhóm: cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố được giao quản lý, sử dụng công trình, hạng mục công trình nhượng quyền khai thác, quản lý (gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị); doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhận nhượng quyền khai thác, quản lý 6 công trình, hạng mục công trình theo quy định tại Nghị quyết này (gọi chung là doanh nghiệp, nhà đầu tư); các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình, hạng mục công trình nhượng quyền khai thác, quản lý.
Trình bày tờ trình của UBND TP, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, các công trình hạ tầng văn hóa - thể thao, công trình kiến trúc có giá trị thuộc phạm vi quản lý của thành phố là tài sản công được giao cho nhiều đối tượng quản lý, sử dụng (cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội).
Theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, chỉ có đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa sử dụng hết công suất.
Nhưng, thực tế triển khai sử dụng tài sản công để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết gặp rất nhiều khó khăn do phải chứng minh chưa sử dụng hết công suất; không đạt hiệu quả kinh tế khi xây dựng Đề án (chi phí tiền thuê đất, khấu hao tài sản cao). Cùng đó, quá trình xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt đề án nhiều thủ tục, kéo dài.
Theo quy định tại Điều 41 Luật Thủ đô việc thực hiện nhượng quyền khai thác, quản lý là một phương thức khai thác mới, khuyến khích thực hiện xã hội hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản công, nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Vì vậy, việc ban hành quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội (thực hiện khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô) là cần thiết, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy hiệu quả nguồn lực từ tài sản công.
Phê duyệt nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách thành phố
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định về thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố để thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.
Theo đó, Nghị quyết đã quyết nghị, đối với nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố giao thực hiện tự chủ của các cơ quan, đơn vị (theo quy định của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan Nhà nước và cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) thì thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị mình.
Đối với nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố không giao thực hiện chế độ tự chủ thì thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là đơn vị dự toán cấp 1 thuộc cấp thành phố quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc, trực thuộc cơ quan, đơn vị mình.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị là đơn vị dự toán thuộc cấp quận, huyện, thị xã.
Chủ tịch UBND xã, thị trấn quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp xã, thị trấn.
Thẩm tra về nội dung tờ trình, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với nội dung về phân cấp ủy quyền quyết định mua sắm của các cơ quan, đơn vị đã được HĐND TP quyết nghị; phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công tác quản lý tài chính, tài sản công trên địa bàn thành phố; phù hợp với chủ trương và nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện lập, quản lý, sử dụng dự toán nhân sách nhà nước của thành phố.