Chủ tịch HH Tái chế chất thải Việt Nam: Phân loại tốt, rác dùng tái chế rất tiềm năng

Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 3 năm thành lập với chủ đề 'Cơ hội đầu tư tái chế tại Việt Nam'. Ông Trần Việt Anh cho biết, nếu phân loại tốt, số lượng rác dùng tái chế rất có tiềm năng tạo ra những sản phẩm xuất khẩu như nhựa, giấy, thép…

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, Hiệp hội luôn tạo ra những sân chơi về tái chế. Ảnh: ĐH

Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, Hiệp hội luôn tạo ra những sân chơi về tái chế. Ảnh: ĐH

Theo ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, thị trường tái chế ở Việt Nam còn yếu, tỷ lệ tái chế chất thải mới chỉ đạt khoảng 10%. Phần lớn nguyên nhân chủ yếu do công nghệ tái chế chưa phù hợp, công tác tái chế phân loại tại nguồn chưa đồng bộ…

Theo thống kê, Việt Nam đang có lượng rác thải sinh hoạt lớn, đặc biệt TP.HCM có gần 12.000 tấn rác mỗi ngày. Nếu phân loại tốt, số lượng rác dùng để tái chế rất có tiềm năng để tạo ra những sản phẩm xuất khẩu như nhựa, giấy, thép...

Nước uống được đựng trong những bình từ nhựa tái chế tham gia "trình diễn". Ảnh: ĐH

Nước uống được đựng trong những bình từ nhựa tái chế tham gia "trình diễn". Ảnh: ĐH

Vấn đề tái chế rất quan trọng, tuy nhiên rác thải tại Việt Nam cần phải được phân loại tốt, đồng thời cần truyền thông ý thức cho cộng đồng để quy trình tái chế được nhanh hơn, thu được nhiều tài sản trở lại”, ông Trần Việt Anh nhận định.

Ông Trần Việt Anh cho biết thêm, các tổ chức tái chế ở nhiều nước trên thế giới đang phát triển mạnh. Họ khá quan tâm khai thác rác thải của Việt Nam, trong đó có rác thải về công nghiệp và xây dựng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với doanh nghiệp tái chế Việt Nam hiện nay là thiếu kiến thức, nguyên liệu đầu vào chưa được phân loại tốt, doanh nghiệp không có nguồn lực để phân loại, công nghệ tái chế đắt tiền, đầu ra của sản phẩm tái chế chưa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng...

Những sản phẩm tái chế từ quần áo cũ được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Những sản phẩm tái chế từ quần áo cũ được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH JP Corelex (Việt Nam) cho biết, việc thu mua rác tái chế từ các hộ gia đình không xuất được hóa đơn giá trị gia tăng là cản trở của nhiều doanh nghiệp.

Các sản phẩm tái chế đang được nhiều người quan tâm, nhưng còn nhiều khó khăn. Mong rằng các cấp có thể tuyên truyền cho người dân ý thức sử dụng sản phẩm tái chế nhiều hơn; Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái chế có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thuận lợi trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, tiếp cận được khách hàng”, ông Quỳnh mong muốn.

Những lọ hoa tái chế "khoác" lên mình màu áo mới. Ảnh: ĐH

Những lọ hoa tái chế "khoác" lên mình màu áo mới. Ảnh: ĐH

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tái chế là xu hướng tất yếu, trên thế giới tái chế là tiêu chí bắt buộc, đây là cơ hội cho ngành tái chế của Việt Nam.

Hiện nay chính sách EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Quy định này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thu gom, thu hồi tái chế, tái sử dụng chất thải.

Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, thông tin về các chính sách ưu đãi, thúc đẩy tái chế”, ông Hùng nói.

Sáng chế xe chở rác nhỏ gọn có thể thu gom ở những hẻm nhỏ sâu. Ảnh: ĐH

Sáng chế xe chở rác nhỏ gọn có thể thu gom ở những hẻm nhỏ sâu. Ảnh: ĐH

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp tái chế Việt Nam, ông Trần Thanh Nam - Trưởng phòng tín dụng Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam cho biết, quỹ sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ và tài trợ lãi suất cho các dự án bảo vệ môi trường… với lãi suất 2,6%/năm.

Lãi suất này sẽ cố định trong suốt thời gian vay, tối đa không quá 10 năm. Mức vay tối đa 80% tổng mức đầu tư dự á (khoảng 36,6 tỉ đồng cho mỗi dự án và không quá 73,2 tỷ đồng cho mỗi chủ đầu tư)”, ông Nam chia sẻ.

Bộ sưu tập túi thiết kế thủ công được làm từ vải vụn và quần áo jeans cũ. Ảnh: ĐH

Bộ sưu tập túi thiết kế thủ công được làm từ vải vụn và quần áo jeans cũ. Ảnh: ĐH

“Hiệp hội luôn tạo ra những sân chơi về tái chế. Sân chơi này không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn là nơi để các bạn sinh viên, start-up thỏa sức sáng tạo sản phẩm về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tại đây, các nhà đầu tư cũng tham gia để rót vốn nhằm thúc đẩy nhanh các sản phẩm tái chế ra thị trường”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.

3 năm thành lập, Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam có những hành động thiết thực thúc đẩy hoạt động vì cộng đồng, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh - sạch, bảo vệ môi trường.

Là giám khảo một số giải thưởng doanh nghiệp xanh, cuộc thi về giải pháp môi trường; Đã đồng hành tổ chức chương trình Văn hóa tái chế học đường tại 10 trường tiểu học.

Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tập hợp những doanh nghiệp tái chế, doanh nghiệp liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập hợp những nhà khoa học, nhà nghiên cứu về kinh tế xanh.
Hiệp hội tạo ra cầu nối giữa doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn với quỹ về môi trường để tìm nguồn vốn thay đổi công nghệ. Tạo sân chơi cho các bạn trẻ, start-up để phát triển kinh tế xanh.

Đông Hường

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/chu-tich-hh-tai-che-chat-thai-viet-nam-phan-loai-tot-rac-dung-tai-che-rat-tiem-nang-d200800.html