Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM: Chuyển đổi công nghiệp đòi hỏi nhận thức và quyết tâm cao độ

Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024 (HEF 2024) ngày 25/9, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa nêu bật những đóng góp từ Hiệp hội trong quá trình chuyển đổi công nghiệp của thành phố.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho các doanh nghiệp đa thành phần kinh tế và đa ngành nghề đang hoạt động trên địa bàn thành phố, là “cầu nối” đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên HUBA trong các quan hệ kinh tế-xã hội với các tổ chức trong và ngoài nước, HUBA đã và đang có chính sách xúc tiến ra sao để kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh, thưa ông?

Chủ đề của HEF 2024 là "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. HCM" nhằm thúc giục doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và tìm kiếm động lực phát triển mới cho thành phố. Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã phát huy hết công suất tất cả động lực và theo thời gian, chúng ta cần khám phá những động lực mới hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Với mục tiêu trên, HUBA đã tổ chức nhiều hoạt động, trước hết là được UBND TP. HCM phân công tham gia tổ chức HEF 2024 để kiến tạo nhận thức mới cho cộng đồng doanh nghiệp.

Diễn đàn năm nay chứng kiến việc thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR), đây là nơi hội tụ cung và cầu. Cung là việc các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thông qua trung tâm để giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp. Ngược lại, cầu là việc doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi thì sẽ qua trung tâm này để tìm kiếm đối tác và giải pháp.

Bên cạnh cung cấp giải pháp, HUBA còn kết nối với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM. Theo đó, thành phố đã ban hành quyết định cho phép hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp đầu tư để chuyển đổi công nghiệp. Hiện HUBA và HFIC đã thành lập tổ công tác liên ngành để tiếp nhận tất cả kế hoạch, chương trình và nhu cầu chuyển đổi của doanh nghiệp, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp về vốn.

Bên cạnh đó, HUBA kết nối với các tổ chức khoa học, đơn vị tư vấn để đưa ra giải pháp phù hợp với đặc điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi doanh nghiệp lớn thực hiện chuyển đổi dễ hơn vì nguồn lực tốt hơn, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chọn được giải pháp phù hợp, đồng thời phải phân kỳ nguồn lực sao cho vừa sức với doanh nghiệp.

Trước thực tiễn khó khăn về nguồn lực, ông có khuyến nghị, đề xuất gì để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi công nghiệp?

HEF 2024 mong muốn cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về chuyển đổi công nghiệp. Có thể nói, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi thì khó lòng tồn tại trong cơ chế thị trường hiện nay, điều này đỏi hỏi nhận thức và quyết tâm cao độ. Việc chuyển đổi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thật sự khó nhưng chúng ta phải có quyết tâm và tận dụng tất cả cơ hội.

Hiện chúng ta đã có C4IR, nơi hoạt động như một trung tâm cung cấp, tìm kiếm và giới thiệu giải pháp, đồng thời doanh nghiệp còn được hưởng hỗ trợ tài chính thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất của thành phố. Chúng ta có chương trình kết nối với các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực, nên bây giờ doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội này.

HUBA có trách nhiệm tổ chức các tổ liên ngành, nhóm công tác chuyên đề và chúng tôi sẽ lên kế hoạch đi khảo sát doanh nghiệp trong từng ngành nghề, đồng thời phân công các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp quận, huyện đi khảo sát để xác định thực trạng của doanh nghiệp và chọn một số doanh nghiệp làm thí điểm. Từ mô hình thí điểm đó, chúng ta tiếp tục nhân rộng ra để các doanh nghiệp khác có thể vận dụng, hay nói cách khác là cần có sự cộng tác, chia sẻ để cùng vào cuộc nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến ngày 13/10 để tôn vinh những doanh nghiệp, doanh nhân trong nước, vậy doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp tại TP. HCM, cần thực hiện chính sách ra sao để chuyển đổi công nghiệp hiệu quả, đóng góp thực chất cho sự phát triển của thành phố?

Nước ta chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, trong đó tổ chức các hoạt động nhằm bình chọn doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, với số lượng dự kiến khoảng 100 doanh nghiệp và 100 doanh nhân tiêu biểu.

Đồng thời, thành phố sẽ trao bằng khen cho những doanh nghiệp, doanh nhân có 4 lần liên tiếp đạt danh hiệu tiêu biểu. TP. HCM hiện giao cho HUBA phối hợp với Sở Công thương chủ trì xây dựng đề án và thông qua đơn vị tư vấn từ các trường đại học để xây dựng một số chính sách đột phá, nhằm tạo được những thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế.

Như vậy, chúng ta nâng cấp doanh nghiệp lên, tập trung phát hiện và xây dựng những thương hiệu lớn, hay nói cách khác là trong mỗi lĩnh vực, chúng ta chọn một số doanh nghiệp đầu ngành có tính chất dẫn dắt và lan tỏa để đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, HUBA sẽ tiếp tục duy trì chương trình Cafe Doanh Nhân hàng tháng, với nhiều chủ đề, từ chuyển đổi công nghiệp cho tới xây dựng và nâng tầm thương hiệu.

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-hiep-hoi-doanh-nghiep-tp-hcm-chuye-n-do-i-cong-nghiep-do-i-ho-i-nhan-thuc-va-quyet-tam-cao-do-287653.html