Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp in lớn đã bị đối tác ngoại thâu tóm
Tốc độ tăng trưởng của ngành in đang suy giảm 10% do tác động của các ngành kinh tế khác, đồng thời doanh nghiệp in Việt cũng đang bị đối tác ngoại thâu tóm.
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam đã cho biết bên lề triển lãm quốc tế ngành công nghiệp bao bì và in ấn (VietnamPrintPack 2023), diễn ra từ 27-30/9/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Văn Dòng, ngành công nghiệp in phát triển theo các ngành kinh tế khác, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên năm 2023 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xuất khẩu nhiều mặt hàng có sử dụng bao bì suy giảm đáng kể, chỉ có một số ngành giữ tăng trưởng tốt song lại ít sử dụng bao bì, kéo theo sự suy giảm phát triển của ngành.
Ước tính, năm 2023 tăng trưởng của ngành giảm khoảng 10% (trong khi các năm trước đạt mức từ 8-15%/năm). Tuy vậy, mức suy giảm này chỉ là tạm thời, không đáng quan ngại bởi trong dài hạn ngành in vẫn có nhiều tiềm năng phát triển.
Phân tích cụ thể, ông Dòng cho biết, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam gần đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã hứa hẹn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam hiện cũng đang là điểm đến đầu tư ưa thích của nhiều quốc gia. Riêng với ngành công nghiệp in cũng được thế giới chú tâm khi liên tục đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát, tìm cơ hội đầu tư.
“Chúng tôi đã tiếp đón nhiều đoàn khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu ngành in của Việt Nam tới từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc Thái Lan. Họ khảo sát thị trường in ấn của Việt Nam để có bước đổ bộ đầu tư”- ông Dòng cho biết.
Cũng theo ông Dòng, việc tìm hiểu này cho thấy doanh nghiệp ngoại nhìn thấy thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam có tiềm năng và tiếp tục sẽ tăng khi mà đầu tư nước ngoài ngày càng hướng đến. Đây sẽ cơ hội cho ngành in ấn và bao bì phát triển nhưng cũng là áp lực lớn về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ngành này. Lý do, khi doanh nghiệp ngoại đổ bộ, với tiềm lực mạnh, công nghệ hiện đại họ đang có xu hướng “thôn tính” các doanh nghiệp in ấn của Việt Nam.
“Trong vòng 5 năm trở lại đây đã có khoảng chục doanh nghiệp in lớn trong ngành như giấy bao bì Biên Hòa, Tiến Thành… đã phải bán mình cho đối tác ngoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu và tiến trình này vẫn đang tiếp tục diễn ra”- ông Dòng nói.
Về nguyên nhân, theo Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, thay vì đầu tư mới, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng muốn thâu tóm các nhà máy in ấn và bao bì Việt Nam để nhanh chóng tham gia thị trường được cho là có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt do bản lĩnh kinh doanh chưa đủ mạnh, thậm chí tại nhiều doanh nghiệp do không có đội ngũ kế cận, gắn bó với ngành nên dẫn tới việc “bán mình” cho đối tác ngoại.
Chính vì thế hiện doanh nghiệp ngoại dù chỉ chiếm khoảng 1/5 về số lượng doanh nghiệp (khoảng 400 công ty nước ngoài) song lại lại chiếm sản lượng 1/3 toàn thị trường. Với tiềm lực mạnh, họ có thể sẵn sàng thâu tóm doanh nghiệp Việt. Do đó, nếu chúng ta không có sự đổi mới, không tự nâng cao năng lực cạnh tranh thì ngành in nội địa sẽ kém đi.
Trong bối cảnh đó, để nâng sức cạnh tranh cho ngành in nội địa, ông Dòng cho rằng, doanh nghiệp Việt phải đầu tư theo xu hướng xanh của thế giới. “Nếu in xuất khẩu không đầu tư vào xanh, không theo chuẩn thế giới sẽ không thể cạnh tranh được” - ông Dòng khẳng định.
Liên quan đến triển lãm VietnamPrintPack 2023, ông Dòng cho biết đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tìm hiểu cơ hội hợp tác, giao thương.
Cụ thể, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển đáng kể, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước gia tăng kéo theo sự phát triển về dịch vụ in ấn, bao bì và đóng gói. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang đối mặt với một thách thức lớn là sự khan hiếm của các nhà cung cấp nguồn hàng chất lượng cao. Tại VietnamPrintPack 2023, doanh nghiệp có thể tìm kiếm giải pháp phù hợp cho việc phát triển và đổi mới công nghệ.
Được biết, VietnamPrintPack 2023 quy tụ hơn 910 gian hàng của 411 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Slovakia, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Vương Quốc Anh…
Một trong những điểm nổi bật của triển lãm năm nay là sự góp mặt lần đầu tiên của Masterwork Group đến từ Trung Quốc, sẽ trưng bày các sản phẩm như: máy gấp - dán, máy cắt bế theo mẫu, dịch vụ in ấn - bao bì toàn diện. Ngoài ra, tập đoàn Heidelberger Druckmaschinen AG đến từ Đức là nhà sản xuất máy in offset lớn nhất thế giới, sẽ kết hợp với Masterwork Group đồng trưng bày công nghệ tiên tiến của họ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu ngành như Zhejiang Allwell và Zhejiang Weigang sẽ trưng bày các sản phẩm máy in tiên tiến, máy cắt bế theo mẫu, máy xén, máy kiểm tra, máy sản xuất túi giấy và túi vải không dệt, và máy in số hóa…
Đáng chú ý, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức và xây dựng mạng lưới kinh doanh trong ngành bao bì, in ấn, các chương trình thảo luận và hội thảo với chủ đề “Nhà máy in thông minh và Kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp ngành in” sẽ được tổ chức với các nội dung chính gồm: “Nhà máy in thông minh”; “Kinh nghiệm ứng dụng và triển khai giải pháp nhà máy thông minh cho ngành in và bao bì tại Việt Nam”; các tham luận và trao đổi về “Làm sao để xây dựng nhà máy in thông minh”…