Chủ tịch Hồ Chí Minh - 'Kho báu' của nhân loại qua lời kể của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhớ mãi câu nói một nhà báo Pháp: 'Cụ Hồ không chỉ là một người chỉ huy mà còn là một con người đi thức tỉnh những tâm hồn'. Và dường như, mỗi lần được may mắn gặp Bác là mỗi lần nhà ngoại giao kỳ cựu này lại được 'thức tỉnh'.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây ở Bangalore trong chuyến thăm Ấn Độ, ngày 11/2/1958. (Ảnh tư liệu)

Trong buổi nói chuyện chuyên đề kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã kể lại nhiều kỷ niệm gắn bó với Bác. Từng nhiều lần được đề nghị nói chuyện và thảo luận về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến nay, dù đã 86 tuổi, nhưng chủ nhân của cuốn sách quý Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn nói đến Người một cách say mê, chưa bao giờ biết đến nhàm chán hay mệt mỏi...

Chuyện tưởng nhỏ mà lại không nhỏ

Thời kháng chiến chống Pháp, khi đi thanh niên xung phong và được điều về hoạt động tại An toàn khu Việt Bắc, điều ao ước nhất của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên là được trực tiếp gặp Bác.

May mắn đã đến sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vào 7/1954, ông được cấp trên điều động về Bộ Ngoại giao và được cử làm thường trực tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô kháng chiến - tỉnh Thái Nguyên. Chính tại cơ ngơi xây dựng bằng nứa của Phủ Chủ tịch bằng nứa, ông đã vô cùng xúc động khi lần đầu Bác xuất hiện trước mặt ông rất giản dị với chiếc mũ cát và chiếc khăn quàng vai.

Cũng từ lần đầu tiên này, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên tin rằng, mình có cơ duyên được gặp Bác. Lần gặp thứ hai là tại Lễ trình quốc thư của Đại sứ Trung Quốc, ông được điều động phục vụ cho buổi lễ và được trông thấy Bác rất hoạt bát, duyệt đội danh dự trên một đồi hoa sim rất thơ mộng. Không sử dụng phòng khánh tiết, Bác Hồ đã tiếp Đại sứ và phu nhân ngay tại khu vườn thiên nhiên trong không khí rất thân mật. Lần thứ ba là dự lần chiếu phim về Liên Xô, ông quan sát thấy Bác tự cầm ghế nhỏ để ngồi, tự cầm một chiếc quạt để quạt và không ngờ rằng sao một vị lãnh tự lại có thể giản dị đến thế.

Thời gian sau khi trở về Hà Nội từ 1954, là một cán bộ ngoại giao trẻ, thứ Bảy nào ông cũng có cơ hội được sang Phủ Chủ tịch xem phim cùng với Bác và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng. Ông Nguyễn Dy Niên vẫn nhớ một lần Bác tới xem và lúc ra về, không có đồng chí cảnh vệ nào đứng lên chào. Thấy vậy, Bác Hồ góp ý luôn rằng: “Ở Việt Bắc thì có bác cháu chúng ta thôi. Nhưng về Hà Nội còn có dân và khách quốc tế nữa cho nên các cháu khi thấy Bác hay các đồng chí lãnh đạo cấp cao thì phải đứng lên chào nhé”. Đối với ông, câu chuyện nhỏ này lại chính là bài học quý và đắt giá cho các cán bộ trẻ thời ấy.

Một may mắn nữa là năm 1956, ông Nguyễn Dy Niên được cử đi Ấn Độ học tiếng Hindi. Ban đầu học, ông thấy rất khó, học mãi không vào, thì lúc ấy được Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Cơ Thạch khuyến khích: “Cậu cố gắng học tốt để chuẩn bị cho việc Bác Hồ đến thăm Ấn Độ đấy”. Nghe đến chữ Bác Hồ, ông như bừng tỉnh và quyết tâm học ngày học đêm để chọn được phục vụ cho Bác. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn không nghĩ lúc đó bản thân lại có được cơ hội và sự tự tin để có thể đọc được bài diễn văn được dịch sẵn tiếng Hindi trong lễ mít-tinh chào đón chuyến thăm của Bác.

“Trong cuộc mít-tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô New Delhi, các bạn Ấn Độ làm sẵn một cái ghế cho Bác Hồ ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một cái ngai vàng, rất lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ ngày ấy là J. Nehru thì chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường như mọi người khác.

Khi Thủ tướng Nehru mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó, Bác dứt khoát từ chối. Thấy vậy, Thủ tướng Nehru nói: “Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi mà”... Chứng kiến điều này, hàng vạn người dự mít-tinh phía dưới quảng trường đứng cả lên xem. Hai vị lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Thủ tướng Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn.

Thấy vậy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường rất cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to Hồ Chí Minh muôn năm! Chuyện này được người Ấn Độ sau đó kể lại rất nhiều, trở thành một huyền thoại của họ về Bác Hồ”, ông kể.

Nhắc đến Bác, nguyên Bộ trưởng còn nhớ đến lần được phục vụ Đoàn của Tổng thống Indonesia Sukarno tới Việt Nam từ vào tháng 6/1959. Khi ấy, Bác Hồ đã đi xuống tận Quảng Ninh để tìm một cây san hô đẹp làm tặng phẩm cho Tổng thống Sukarno.

Ông kể lại: “Hôm ấy, cây san hô được đặt ở một cái bàn giữa phòng khánh tiết rất đẹp. Bởi vậy, một số anh em phục vụ tại đó đã truyền tay nhau xem và vô tình làm nó vỡ toang dưới sàn nhà. Đúng lúc ấy Bác bước vào và mọi người xanh hết mặt vì lo sợ, thì Bác chỉ nói nhẹ nhàng nhưng lại đi sâu vào lòng người khiến anh em ai cũng thấy vô cùng ân hận: “Thôi các chú làm hỏng việc của Bác rồi”.

'Kho báu' cả thế giới ngưỡng mộ

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tại buổi nói chuyện chuyên đề kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đảng bộ Bộ Ngoại giao tổ chức. (Ảnh: Trung Hiếu)

Thời gian sau này, khi Bác mất và không còn được trực tiếp gặp Người nữa, nhưng cơ duyên với Bác vẫn chưa kết thúc khi vào năm 1987, ông Nguyễn Dy Niên (là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) được giao trọng trách làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Đây cũng chính là năm UNESCO nhất trí tuyệt đối thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990.

Có thể nói, với vai trò và trọng trách mới này, ông Nguyễn Dy Niên đã chứng kiến tình cảm, sự ngưỡng mộ và lòng kính trọng sâu sắc của bạn bè, cộng đồng quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng nhận ra Bác Hồ trở thành con người của thế giới và nhân loại chứ không riêng của Việt Nam nữa.

“Trong mắt bạn bè quốc tế, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, đồng thời cũng là nguồn cổ vũ cho các dân tộc trong giai đoạn phi thực dân hóa, là hiện thân cho “văn hóa tương lai”. Bác đã để lại một “kho báu” mà cả thế giới ngưỡng mộ, nên chúng ta, là con cháu Bác, cần phải biết khai thác, học hỏi suốt đời”, ông Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao kỳ cựu cho biết giai đoạn vận động tôn vinh Bác là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam cũng trải qua rất nhiều lo lắng. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các bạn quốc tế, họ đã gieo vào lòng ông niềm tin mãnh liệt về tầm ảnh hưởng của Bác.

“Khi tiếp xúc với nhiều đoàn châu Phi, họ bày tỏ tuyệt đối sự ủng hộ. Khi có nhiều ý kiến băn khoăn trong nước tôn vinh Bác một danh hiệu thôi, nhưng các bạn quốc tế lại nói rằng cụ Hồ phải cả hai danh hiệu mới xứng đáng. Giai đoạn Hội đồng bỏ phiếu cũng hồi hộp lắm và kết quả UNESCO nhất trí tuyệt đối ủng hộ tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi thấy đây là một điều hiếm hoi trên thế giới”, ông nói.

Đặc biệt, vào thời điểm ấy, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cũng không thể quên vị Chủ tịch Ủy ban UNESCO Ấn Độ đã nói rằng “Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nằm trong trái tim của mỗi chúng ta mà còn tiếp nối với sự tiến bộ của thời đại”, còn một nhà báo Ai Cập thì ca ngợi “Cụ Hồ là con người đã sáng tạo ra các lương tri của thời đại chúng ta”.

An Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-ho-chi-minh-kho-bau-cua-nhan-loai-qua-loi-ke-cua-nguyen-bo-truong-ngoai-giao-nguyen-dy-nien-116078.html