Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà giáo dục vĩ đại

Tư tưởng của nhà giáo dục vĩ đại Hồ Chí Minh không chỉ là đẩy mạnh 'dân trí'

Tư tưởng ấy còn khơi dậy "dân khí", truyền cảm hứng và khích lệ ý chí của cả dân tộcvà mỗi con người.

Ngày 12-5, Hội thảo khoa học quốc gia "Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ" do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Học để phụng sự

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tham dự và chỉ đạo hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD-ĐT, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người, thực sự là nền tảng, kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam.

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”. Ảnh: TRẦN HIỆP

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”. Ảnh: TRẦN HIỆP

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đó là triết lý "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Đó là tầm nhìn "Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em".

Đó là phương châm "Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ"; "Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm".

Đó là phương pháp "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân". Đó là mục đích "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại".

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực, đặt ra những thời cơ rất lớn và những yêu cầu rất cao đối với lĩnh vực GD-ĐT.

Bối cảnh mới, đòi hỏi có tư duy mới, tư duy hành động, nghị quyết hành động để tạo ra đột phá trong phát triển GD-ĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, các ngành nghề mới.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết ngày 25-4, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng ý nghiên cứu xây dựng kế hoạch trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về đột phá, phát triển GD-ĐT.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho hay trong bài viết với tiêu đề "Học tập suốt đời", Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân".

Tổng Bí thư cũng khẳng định: "Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng".

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương bày tỏ mong muốn, những giá trị trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD-ĐT sẽ lan tỏa, biến hóa mạnh mẽ vào chủ trương, đường lối chính sách, vào thực tiễn tổ chức, vận hành nền giáo dục Việt Nam, góp phần làm nên những thắng lợi mới của nền GD-ĐT, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao - nguồn lực động lực quan trọng nhất để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tầm nhìn vượt thời đại

Tham luận tại hội thảo, GS-TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - khẳng định tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm nhìn vượt thời đại, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đất nước và dự báo tương lai.

Theo đó, những vấn đề cốt lõi của tư duy giáo dục hiện đại đang được bàn thảo hôm nay, về bản chất được thể hiện trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục cách đây hơn nửa thế kỷ, với cách biểu đạt giản dị, rất Việt Nam và vô cùng sâu sắc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, mà với tất cả ý nghĩa đầy đủ và tiêu biểu nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại. Phương diện đầu tiên của nhà giáo dục vĩ đại đó chính là ở chỗ truyền cảm hứng và lập chí hướng cho cả một dân tộc và cho mỗi người.

Nhấn mạnh tư tưởng của nhà giáo dục vĩ đại Hồ Chí Minh không chỉ là đẩy mạnh "dân trí" mà còn khơi dậy "dân khí", truyền cảm hứng và khích lệ ý chí của cả dân tộc và mỗi con người, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phân tích, để làm được điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần "thân giáo" - tức lấy bản thân mình làm gương để cảm hóa, giáo dục, tập hợp, thuyết phục.

Như vậy, từ cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã có một tầm nhìn sâu rộng, vượt thời đại khi đề cập trên phương diện giáo dục con người về nhân cách. Đây chính là phương pháp "tự giáo" - tức là tự học tập suốt đời, tự phát triển bản thân, tự tu, tự dưỡng, tự điều tiết, tự sỉ, biết hổ thẹn, biết liêm chính để đáp ứng yêu cầu cách mạng của thời đại.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đánh giá cao vai trò của giáo dục, vì vậy ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đó cũng chính là thể hiện sinh động sự kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định trong bối cảnh mới, để đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng và Nhà nước xác định GD-ĐT cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá để giáo dục tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, tạo điều kiện và tiền để để phát triển con người trước yêu cầu thời đại mới và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội.

4 nhiệm vụ quan trọng

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra 4 nhiệm vụ quan trọng với ngành giáo dục trong thời gian tới: Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Thứ hai, làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học, như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm "học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung để trở thành người có ích cho xã hội".

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ. Thứ tư, tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-tich-ho-chi-minh-nha-giao-duc-vi-dai-196250512220954548.htm