Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà khoa học thực tiễn đầu tiên của Việt Nam
Hồ Chí Minh là 'người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam', là 'nhà khoa học thực tiễn' đầu tiên tại Việt Nam.
Hồ Chí Minh, người đầu tiên thiết kế marketing cho một Việt Nam Mới khi mở đầu Di chúc Bác dùng “Việt Nam dân chủ cộng hòa/Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Quốc hiệu chính thể mới: "Việt Nam dân chủ cộng hòa" đầy thiện cảm, gắn thông điệp rất súc tích, đầy nhân văn cao cả: "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".
Không thể ai khác, chính vị lãnh tụ kiệt xuất đã sáng tạo ra nó và đưa áp dụng lần đầu tiên (cho đến nay vẫn dùng) trong các văn bản Nhà nước Việt Nam... Việc vẫn sử dụng “slogan” này từ lúc khai sinh cho đến nay, mặc nhiên khẳng định cốt lõi bản chất của Nhà nước Việt Nam mới, từ năm 1945 đến nay không thay đổi và việc tồn tại Nhà nước này từ đó tới nay là nhằm thực hiện mục tiêu “Tam dân”: Dân tộc-Độc lập, Dân quyền-Tự do và Dân sinh-Hạnh phúc…
Hồ Chí Minh là người đầu tiên yêu cầu thực hiện công việc theo tinh thần Tiêu chuẩn hóa “Quản lý chất lượng ISO” hiện đại của thế giới. Bác yêu cầu trong Di chúc: “Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.
Tiêu chuẩn ấy không ngoài mục đích đảm bảo cho toàn bộ quá trình sản xuất từ đầu đến cuối, luôn luôn sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao và do đó ắt sẽ tránh được phế phẩm, do “bị động, thiếu sót và sai lầm".
Video 'Muôn vàn tình thương yêu': Chương trình nghệ thuật công phu dâng Bác
Thật thú vị, đây lại là điều được Bác yêu cầu ứng dụng vào lĩnh vực ngoài sản xuất vật chất, đó là trong kế hoạch, rộng ra là trong hoạch định đường lối, chính sách, xây dựng hiến pháp-pháp luật, xây dựng các nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn của các cấp, các ngành, địa phương và cho đến cơ quan, đơn vị, nhằm tránh mọi “sai lầm”, và do đó sẽ luôn ích cho nước-lợi cho dân và do đó sẽ luôn được mau chóng nhất, không phải sửa đi, chỉnh lại.
Bác là người đầu tiên đặt vấn đề “Môi trường”, “Đổi mới” và cách tư duy về “khoa học ứng dụng”, thiết thực cũng như “phổ biến” ứng dụng khoa học công nghệ.
Người nhận định, “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi” thì một “cuộc chiến đấu khổng lồ”, một công việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp”, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
Bài liên quan
Tư tưởng phát triển kinh tế bao trùm trong Di chúc của Bác Hồ
Rõ ràng, đó là cách tiếp cận rất hiệu quả, khoa học, để tiến hành cuộc cách mạng thượng tầng kiến trúc và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay tại Việt Nam.
Hồ Chí Minh là lãnh đạo tiên phong số một trong “ứng dụng công nghệ mới” khi Người “yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến”. Người là tấm gương khích lệ áp dụng công nghệ mới hỏa táng, điện táng không phải cho ai khác, mà cho chính bản thân mình vì Người đã thấy trước được ích lợi, trước hết cho môi trường, và cho cả kinh tế.
Người nói “đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn”. Thật đỗi xúc động!
Đặt vấn đề “cải cách giáo dục” để không thể học suông, học phải gắn chặt với hành và nền giáo dục cần phải được đặt trong một “hoàn cảnh mới”, Người yêu cầu “Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động”.
Hiện nay, hoàn cảnh mới cần được hiểu, không chỉ là, đã lộ diện khá rõ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, mà quan trọng hơn, nó còn dẫn đến một cuộc Cách mạng trong toàn bộ thượng tầng kiến trúc.
Bác là nhà kinh tế học đầu tiên về “tâm lý học chính sách thuế” tại Việt Nam khi “đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất” khi Việt Nam “ta đã hoàn toàn thắng lợi”.
Thiết nghĩ, một chính sách thuế có tầm là một chính sách trước hết phải tạo tiền đề “đẩy mạnh sản xuất” do “thêm” được “niềm phấn khởi” và cùng thời gian, ắt tăng được nguồn thu. Mặt khác, phải đủ liều, đúng lúc, kịp thời để không nguội, mất “hỉ hả”, giảm “mát dạ, mát lòng” và vơi bớt “niềm phấn khởi”.
Nên chăng, trong sách giáo khoa về chính sách thuế, đề nghị này của Người sẽ trở thành một “châm ngôn” đẫm chất khoa học “tâm lý thuế” nhưng lại giản đơn, đầy đủ và mộc mạc đời thường.