Chủ tịch Hồ Chí Minh 'sống mãi' trong trái tim những người nghệ sĩ

Trong dòng chảy bền bỉ của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, những người đã lặng thầm, cần mẫn khắc họa chân dung Người bằng cả trái tim và sự tri ân sâu sắc.

Họa sĩ Trần Duy Trúc (tỉnh Hưng Yên) đã dành hơn 50 năm cuộc đời để vẽ tranh cổ động.Hơn 50 tác phẩm của ông đều lấy hình tượng Bác làm trung tâm, như một cách tri ân đến vị Cha già của dân tộc. Trong tranh của ông, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện như hiện thân của lòng yêu nước, trí tuệ, nhân cách cao cả.

“Vẽ Bác Hồ trước hết phải giống để nhân dân khi xem có thể cảm nhận được Bác đang ở bên. Nhưng chỉ giống thôi chưa đủ, phải thể hiện được cái thần, cái tình, cái tâm trong ánh mắt, cử chỉ, hành động của Bác”, họa sĩ Trúc chia sẻ.

Họa sĩ Trần Duy Trúc hơn 50 năm cuộc đời để vẽ tranh cổ động, trong đó có nhiều tác phẩm vẽ về Bác Hồ.

Họa sĩ Trần Duy Trúc hơn 50 năm cuộc đời để vẽ tranh cổ động, trong đó có nhiều tác phẩm vẽ về Bác Hồ.

Chia sẻ về bức tranh “Điện Biên Phủ - Sáng ngời trang sử vàng dân tộc” (chất liệu bột màu, vẽ năm 2009), họa sĩ Trần Duy Trúc cho biết: “Mặc dù khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi còn nhỏ, nhưng tôi đã tìm hiểu qua sách báo, hồi ức dân tộc. Tôi mong muốn tạo nên những tác phẩm về Bác Hồ. Tôi vẽ cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi xem bức tranh, họ hãnh diện và phấn khởi khi Bác Hồ hiện diện và chỉ huy quân dân ta làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu”, họa sĩ Trần Duy Trúc bộc bạch.

Còn nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường (tỉnh Ninh Bình) tìm thấy nguồn cảm hứng từ một bức ảnh nổi tiếng "Bác Hồ ngồi trên đỉnh núi quan sát chiến trường". Đối với ông, bức ảnh là chất liệu quý giá để tạo nên bức tượng “Bác Hồ đi chiến dịch” (chất liệu đồng, sáng tác năm 2018), một công trình mang tính biểu tượng cao.

“Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cảm nhận được sự dung hòa giữa phẩm chất của một nhà cách mạng với tâm hồn của một người nghệ sĩ. Tác phong giản dị, nhưng sâu sắc, ánh nhìn nghiêm nghị nhưng tràn đầy yêu thương. Những điều đó là kho báu cho người làm nghệ thuật”, họa sĩ Phú Cường tâm sự.

Những bức tranh vẽ Bác Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút các bạn trẻ ghé thăm.

Những bức tranh vẽ Bác Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút các bạn trẻ ghé thăm.

Họa sĩ Đặng Tin Tưởng (tỉnh Hải Dương) chọn một góc nhìn rất gần gũi và đời thường: Quê ngoại của Bác, làng Hoàng Trù (tỉnh nghệ An). Trong tác phẩm “Quê ngoại Bác Hồ” (in độc bản, 1980), ông không chỉ vẽ lại mái nhà tranh, cây mít quen thuộc, mà còn khắc họa ký ức về một cành mít mọc thêm khi Bác đi xa, một chi tiết nhỏ nhưng đậm chất biểu tượng.

“Cô Huệ kể, khi Bác trở về, thấy cây mít có thêm nhánh, Bác rất xúc động… Những chi tiết ấy chính là chất liệu cảm xúc quý giá”, họa sĩ Đặng Tin Tưởng nhớ lại. Kỹ thuật in độc bản, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, với nghệ sĩ, đây không còn là công việc, mà là cách để gìn giữ và trao truyền cảm xúc thiêng liêng về Bác đến với thế hệ sau.

Với họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyệt (tỉnh Bắc Ninh), Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại, một vị tổng tư lệnh của quân đội, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, cha già của dân tộc. Tất cả điều đó đều tạo nên cảm xúc để ông sáng tạo nghệ thuật.

Khách tham quan ghi lại hình ảnh tác phẩm “Bên giếng nước” của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyệt.

Khách tham quan ghi lại hình ảnh tác phẩm “Bên giếng nước” của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyệt.

Thông qua tác phẩm “Bên giếng nước” (sơn khắc, 1980), họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyệt muốn nói lên tình cảm giữa nhân dân với Bác. Bác Hồ cũng rất phấn khởi khi được nhân dân quây quần hưởng ứng, nghe lời căn dặn của Bác để phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội lúc mấy giờ.

Từ cảm xúc ấy, bức tranh đã được Triển lãm mỹ thuật toàn quốc và sau đó, Nhà xuất bản Văn hóa in phổ biến vào làm tranh Tết năm 1980. Tranh Bác Hồ “Bên giếng nước” có sử dụng chất liệu bột màu, hay là tranh “Bác Hồ câu cá” khắc gỗ, in đen trắng… Chính những cái chất liệu giản dị ấy đã khắc họa rõ nét sự gần gũi, giản dị trong mối quan hệ giữa Bác Hồ với nhân dân.

Tác phẩm “Bác Hồ với thầy thuốc” của họa sĩ Nguyễn Trọng Cát được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm “Bác Hồ với thầy thuốc” của họa sĩ Nguyễn Trọng Cát được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Còn với họa sĩ Nguyễn Trọng Cát (tỉnh Nghệ An), ông rất kính phục Bác Hồ. Bác quan tâm đến tất cả các lĩnh vực, cả y tế, Bác chỉ dạy các phương thuốc của dân gian, không tốn kém, không không độc hại… Có sở trường khắc gỗ, họa sĩ Nguyễn Trọng Cát đã gửi gắm tình cảm, sự kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua tác phẩm “Bác Hồ với thầy thuốc” (khắc gỗ, 1980): “Khi khắc phải sử dụng gỗ mềm, dễ khắc; khắc bản nét trước, sau đó phối hợp với nhiều bản màu. Hơn nữa, tôi phải nghiên cứu kỹ cây đinh lăng, cây bỏng như thế nào…; đặc biệt chân dung Bác Hồ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch phải giống”, họa sĩ Nguyễn Trọng Cát nói.

Dù mỗi nghệ sĩ có cách thể hiện riêng, nhưng tình yêu với Bác thì luôn hiện diện trong trái tim mỗi người. Họ vẽ bằng chất liệu, kỹ thuật khác nhau: Khắc gỗ, in màu, đồng, sơn dầu... nhưng trong từng bức tranh, tác phẩm, đều có một điểm chung, đó là sự tôn kính, sự biết ơn và khát vọng truyền cảm hứng về một vị lãnh tụ sống mãi trong lòng dân.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Như lời ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay có cách thể hiện khác, nhưng tình yêu với Bác thì không đổi. Đó là dòng chảy xuyên suốt. Trong các loại hình nghệ thuật, thì mỹ thuật là nơi Bác hiện diện rõ nhất, trực tiếp nhất và cũng lâu bền nhất. Đó là món quà vô giá mà nghệ sĩ Việt Nam dâng lên Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sống mãi trong lòng nhân dân bằng những trang sử vàng son, bằng tư tưởng, đạo đức, phong cách mà Người để lại. Người còn sống mãi trong từng nét vẽ, từng khối tượng, từng thước phim, từng câu thơ, khúc hát… do các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo nên. Trong trái tim của những người làm nghệ thuật, Bác Hồ không bao giờ là quá khứ. Bác là hiện tại, là tương lai, là ánh sáng soi đường, là nguồn cảm hứng bất tận để nghệ thuật Việt Nam tiếp tục phát triển, lan tỏa những giá trị đẹp, nhân văn.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/chu-tich-ho-chi-minh-song-mai-trong-trai-tim-nhung-nguoi-nghe-si-20250520202138410.htm