Cựu chiến binh Huỳnh Thị Mừng: Chiến sĩ quân giới dũng cảm, tận tâm

Tham gia cách mạng từ khi 15 tuổi, cựu chiến binh Huỳnh Thị Mừng (sinh ngày 20-11-1932) đã có gần 40 năm gắn bó với ngành quân giới và quân y. Sự nghiệp công tác của bà thể hiện ý chí không ngừng vươn lên, vượt qua nỗi đau thương tích chiến tranh, đóng góp xây dựng Quân đội và đất nước.

Gặp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ấm cúng tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, người nữ cựu chiến binh đã 93 tuổi này vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ khi tham gia cách mạng. Tháng 11-1947, khi tròn 15 tuổi, nữ sinh Huỳnh Thị Mừng (quê tỉnh Thừa Thiên, nay là TP Huế) đã thoát ly gia đình, rời quê hương cùng các anh ruột tham gia cách mạng. Với tinh thần nhiệt huyết của sức trẻ, bà được điều về thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tham gia sản xuất lựu đạn, mìn các loại tại Phòng 5, Quân giới Khu 4, đóng quân tại Chu Lễ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Cựu chiến binh Huỳnh Thị Mừng nhớ lại: Khu vực làm việc của Phòng 5, Quân giới Khu 4 có sông to, nên thuận lợi cho các đơn vị bộ đội cơ động về nhận vũ khí vận chuyển bằng đường thủy. Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến chống thực dân Pháp, mỗi người làm việc trong xưởng đều lao động tích cực, hết công suất để bảo đảm vũ khí cho công cuộc kháng chiến.

Cựu chiến binh Huỳnh Thị Mừng (bên trái) cùng đồng đội nhớ lại những ngày làm việc ở Quân giới Khu 4. Ảnh: HỒNG GIANG

Cựu chiến binh Huỳnh Thị Mừng (bên trái) cùng đồng đội nhớ lại những ngày làm việc ở Quân giới Khu 4. Ảnh: HỒNG GIANG

Cũng theo bà Mừng, thời bấy giờ, công nghệ sản xuất vũ khí của chúng ta còn hạn chế, chủ yếu thực hiện bằng phương thức thủ công, nên dễ xảy ra mất an toàn. Tuy nhiên, mọi người đều không nao núng tinh thần. Các khu vực vừa sản xuất, vừa rút kinh nghiệm, để sản phẩm được hoàn thiện hơn, tăng hiệu suất chiến đấu và bảo đảm an toàn trong vận chuyển. Công việc của bà Mừng và các đồng đội chủ yếu là nhồi thuốc nổ vào mìn, lựu đạn, đóng gói thành phẩm. Năm 1948, khi đang làm nhiệm vụ, bà không may bị ngọn lửa lớn bén vào người, bị bỏng “thập tử nhất sinh”.

Vết bỏng nặng toàn thân khiến bà Mừng phải điều trị trong thời gian một năm để có thể tái tạo lại da, tóc. Ngay sau khi sức khỏe ổn định, bà xin đơn vị trở lại làm việc. Theo đó, bà được về làm việc lại ở Xưởng M342, Quân giới Khu 4 từ khoảng giữa năm 1949. Với tinh thần cống hiến nhiệt huyết cho cách mạng, bà Huỳnh Thị Mừng vinh dự được kết nạp vào Đảng ngày 29-9-1949 khi vừa gần 18 tuổi.

Bà Mừng chia sẻ: "Kháng chiến chống Pháp đang rất ác liệt, thương tích của bản thân có đáng vào đâu. Những thanh niên chúng tôi lúc đó rất khát khao cống hiến cho cách mạng với sức lực, công việc cụ thể. Bộ đội chủ lực thì trực tiếp cầm súng trên chiến trường, còn chúng tôi thì ngày đêm sản xuất vũ khí".

Bà Huỳnh Thị Mừng chụp ảnh cùng chồng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh NVCC

Bà Huỳnh Thị Mừng chụp ảnh cùng chồng sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh NVCC

Là đồng đội với bà Mừng, bà Trần Thị Vầy (công tác tại Phòng 2, Quân giới Khu 4) chia sẻ: “Công việc của tôi là sản xuất thuốc nổ nên mức độ nguy hiểm thấp hơn bộ phận làm mìn, lựu đạn như đồng chí Mừng. Người làm ở các xưởng quân giới thời kỳ này bị thương, hy sinh nhiều, nhưng trước yêu cầu của kháng chiến, công việc luôn khẩn trương tiến hành. Đơn vị cũng không có nhiều thời gian để chu tất về chế độ cho thương binh, tử sĩ, mà tất cả hướng về tiền tuyến. Tấm gương dũng cảm, luôn dấn thân của đồng chí Mừng khiến anh chị em rất khâm phục”.

Trong một dịp học tập bồi dưỡng vào năm 1952, bà Mừng được gặp và bén duyên với người chiến sĩ cách mạng Đoàn Văn Quảng (sinh năm 1929, sau này là Đại tá, Tiến sĩ). Sau khi ông trở về đơn vị, hai người vẫn duy trì tình yêu đẹp giữa thời kháng chiến ác liệt. Năm 1954, ông được cấp trên cử về đơn vị của bà tiếp nhận vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Được đồng đội động viên, ông bà đã tổ chức lễ cưới ấm áp vào chiều tối ngày 1-4-1954 trước sự chứng kiến của đơn vị. Sau hai ngày cưới, ông đã vội lên đường để về mặt trận. Bà Mừng sau đó được chuyển từ sản xuất vũ khí sang làm y tá ở Viện K72, điều trị cho các thương binh từ tiền tuyến đưa về.

Thiếu tá, bác sĩ Huỳnh Thị Mừng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thiếu tá, bác sĩ Huỳnh Thị Mừng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với ý chí vươn lên và tinh thần cầu tiến, bà vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa chịu khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn ngành y. Bà đã tham gia khóa học bác sĩ đa khoa, là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập ngành vật lý trị liệu của Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Từ người chiến sĩ, trải qua các khóa học quân y, bà được phong quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Kinh qua nhiều vị trí công tác, trước lúc nghỉ hưu (tháng 6-1984), Thiếu tá, bác sĩ Huỳnh Thị Mừng là Trưởng ban Quân y, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Cả sự nghiệp gần 40 năm cống hiến cho cách mạng, cựu chiến binh Huỳnh Thị Mừng được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba (năm 1984), Huân chương Chiến thắng hạng Ba (năm 1953) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cựu chiến binh Huỳnh Thị Mừng tâm sự: “Tôi rất tự hào khi bản thân đã cống hiến sức nhỏ cho cách mạng, cho kháng chiến và Quân đội ta. Trong những lần gặp lại đồng đội ở xưởng quân giới năm xưa, mọi người có tâm nguyện được các cấp ghi nhận chế độ, chính sách thương binh hoặc chính sách liên quan, để tự hào một thời cống hiến cho Tổ quốc bằng chính xương máu của mình. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là do điều kiện chiến tranh, di chuyển đơn vị sau nhiều năm, nhiều đồng đội cũng không còn giấy tờ chứng nhận thương tích thời kỳ công tác tại các xưởng quân giới”.

HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cuu-chien-binh-huynh-thi-mung-chien-si-quan-gioi-dung-cam-tan-tam-829177