Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng ngời, mẫu mực

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người hội tụ, kết tinh trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống của con người và dân tộc Việt Nam. Người tiêu biểu cho cốt cách, bản lĩnh và khí phách của thời đại.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Trong đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chủ tịch đối xử với người, với việc luôn có lý, có tình. Bác Hồ dành muôn vàn tình thân yêu với đồng chí, đồng bào. Trong tình thương yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai và sắp xếp cho mỗi người về việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa yêu thương dìu dắt”.

Suốt cả cuộc đời, Người luôn tâm niệm ý chí làm cho Tổ quốc ta, dân tộc ta được độc lập, tự do, hạnh phúc, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; mọi người đều được ấm no, ai cũng được học hành; đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Trong Di chúc, Người viết về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(1). Hối hận thì không nhưng tiếc thì có; tiếc là không còn được sống lâu hơn nữa để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, tức là làm đầy tớ thật trung thành cho dân - là sự tiếc nuối của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.

Đầu năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(2). Lời nói rất giản dị nhưng tràn đầy tình cảm, trách nhiệm trước Tổ quốc, đồng bào.

Theo Bác, “tinh thần trách nhiệm là nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”(3); “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,... là không có tinh thần trách nhiệm”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5). Bác khẳng định, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đây là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt đời. Đạo đức cách mạng do đấu tranh, rèn luyện hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được thông qua hoạt động thực tiễn sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu.

Người nhấn mạnh: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”. Phải “tu thân chính tâm” mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Tức là, trước hết tự mình phải tu dưỡng, rèn luyện, làm gương. Mình muốn hướng dẫn nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Người thường nói: “Không cần nói nhiều, mà làm cho thật nhiều. Những người tốt, những cán bộ tốt muốn làm việc to chứ không phải muốn làm quan lớn”.

Cả cuộc đời hoạt động của Bác là tấm gương về sự liêm khiết, không tham quyền cố vị, không mong được thăng quan, phát tài. Người không mưu lợi một chút gì riêng cho mình.

Bác rất công tâm trong xử lý công việc, luôn đặt lợi ích của tập thể, nhân dân lên trên hết. Theo Người, phải kiên quyết dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân, phải chiến đấu và chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, vì “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô…”(6), là kẻ thù bên trong của mỗi con người. Đồng thời, Người cảnh báo: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(7).

Nêu gương phải thể hiện trong cả lời nói, việc làm và trách nhiệm. Lời nói, việc làm của cán bộ cốt cán làm cho nhân dân tin, nhân dân phục, nhân dân yêu quý, đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách của Đảng.

Do vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người phải trở thành ý thức tự giác, lan tỏa trong mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và cuộc sống thường ngày. “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. “Ý Đảng, lòng dân” trở thành sức mạnh vật chất và tinh thần nhằm tạo sự thống nhất trong toàn Ðảng, sự đồng thuận trong toàn dân để bồi đắp, tạo thêm động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn soi sáng con đường của dân tộc, là niềm tin vững chắc để Đảng và nhân dân ta tiếp tục xây dựng đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như Bác hằng mong muốn./.

Ths Nguyễn Thanh Hoàng

-------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.615

(2) Báo Cứu Quốc, số 147, ngày 21-1-1946

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.249, 248

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr.284

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.90

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.127.

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-tich-ho-chi-minh-tam-guong-sang-ngoi-mau-muc-a155263.html