Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm đặc biệt dành cho 'Thủ đô ta'

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt. Ba chữ 'Thủ đô ta' được Người nhiều lần dùng khi nói về Hà Nội để biểu lộ những tình cảm thân thương, trìu mến nhất. Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Hà Nội, về nhân dân Hà Nội. Mỗi bài viết đều gửi gắm trong đó là tình cảm, sự quan tâm, niềm mong mỏi của Bác đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

"Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể"

Đó là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi đồng bào Thủ đô được Trung tướng Vương Thừa Vũ đọc trong buổi lễ chào cờ lịch sử ngày 10/10/1954.

 Ngày 1/1/1955, hàng chục vạn nhân dân thủ đô đã tổ chức mít tinh và tuần hành mừng đón Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trở về thủ đô sau gần 9 năm lên Việt Bắc lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Ảnh: TTXVN

Ngày 1/1/1955, hàng chục vạn nhân dân thủ đô đã tổ chức mít tinh và tuần hành mừng đón Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trở về thủ đô sau gần 9 năm lên Việt Bắc lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Ảnh: TTXVN

"Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể !"- lá thư viết.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại rất nhiều nơi, trong đó Thủ đô Hà Nội là nơi Người gắn bó lâu nhất (17 năm, từ năm 1945 đến năm 1946 và từ năm 1954 đến năm 1969). Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Hà Nội, về nhân dân Hà Nội. Mỗi bài viết đều gửi gắm trong đó là tình cảm, sự quan tâm, niềm mong mỏi của Bác đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Theo nhìn nhận của tướng Vương Thừa Vũ, lời Bác thân mật, tha thiết. "Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Hồ Chủ tịch muôn năm... Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô"- vị Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội nhớ lại.

Đêm 14 rạng ngày 15/10/1954, ngày sau ngày giải phóng, Hà Nội đã được đón Bác và Chính phủ trở về sau 9 năm kháng chiến. Căn phòng Bác ở và làm việc tại Nhà thương Đồn Thủy, nay là phòng 14, gác 2, nhà số 4, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị.

Để động viên tinh thần phấn khởi, lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ mới, ngày 1/1/1955, cuộc mít tinh, diễu binh, diễu hành lớn được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô. Trong phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về ý nghĩa chính trị cực kỳ to lớn của việc chấm dứt chiến tranh, hòa bình đã lập lại, Chính phủ lại về Thủ đô. Bác thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào Thủ đô và bộ đội hôm nay long trọng và thân mật chào mừng Chính phủ.

"Làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp"

 Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tháng 11/1959. Ảnh: Tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tháng 11/1959. Ảnh: Tư liệu.

Sau những xúc động, mừng vui là những mối quan tâm, trăn trở dành cho Hà Nội đang bộn bề lo toan sau giải phóng. Ngay khi còn chưa về lại Hà Nội, Bác đã có bài viết đăng trên báo Nhân Dân nhắc nhớ về công việc quan trọng Thủ đô cần phải làm. “Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự an ninh. Có giữ vững trật tự an ninh thì nhân dân Thủ đô mới an cư lạc nghiệp. Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”- Bác viết.

Ngày 13/10, Báo Nhân Dân số 238 đăng lại bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhan đề: ổn định sinh hoạt, trong đó Người đã biểu dương thành tích khôi phục các mặt hoạt động của Thủ đô Hà Nội những năm đầu giải phóng và yêu cầu mỗi người dân Hà Nội cần cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình góp phần ổn định sinh hoạt Thủ đô.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/01/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/01/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu). Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trước đó, cũng trong bức thư gửi nhân dân Hà Nội ngay trong ngày giải phóng Thủ đô, Người dặn dò nhân dân Thủ đô hãy "đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh".

Ngày 16/10/1954, tại Bắc Bộ Phủ, Người có buổi tiếp chuyện thân mật với các đại biểu nhân dân thủ đô. Tại đây, Người nhấn mạnh: “Sau tám năm bận việc kháng chiến, hôm nay tôi rất vui mừng lại gặp bà con thủ đô. Đồng bào Hà Nội chuẩn bị đón tôi thật tưng bừng, tấm thịnh tình đó tôi rất cảm động. Nhưng tôi không muốn đồng bào bỏ nhiều vải vóc giấy màu vào việc viết khẩu hiệu, làm cờ. Tôi không rõ việc đó sẽ gây tốn kém bao nhiêu là tiền bạc. Lãng phí hơn nữa là mấy chục vạn người sẽ mất cả một ngày vì tôi. Thời gian xa cách đâu phải ngắn, ta cũng nên gặp mặt nhau nhưng còn rất nhiều dịp. Việc quan trọng nhất trước mắt chúng ta là sản xuất, khôi phục, khôi phục, sản xuất. Nếu mọi người thật sự hoan nghênh Đảng và Chính phủ trở về thì hãy đem cái tinh thần quý báu đó vào các công việc trên”.

 Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và Nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31/1/1965. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và Nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31/1/1965. Ảnh: Tư liệu

“Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta.”- Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ niềm tin vào đồng bào, chiến sĩ Hà Nội.

Những năm tháng sau này, khi nhắc về Hà Nội, Người hay dùng tới 3 chữ "Thủ đô ta" với những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới nhiều mặt phát triển của Hà Nội.

Ngày 29/8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về mở rộng thành phố Hà Nội theo kế hoạch dài hạn. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Người nêu rõ: “Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí...”.

Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Người cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Hằng tháng ít nhất một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình và thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành.

Dự Hội nghị Đảng bộ Hà Nội ngày 25/4/1959, Bác lưu ý “phải xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Để xây dựng một Thủ đô Hà Nội gương mẫu, đi đầu, các cấp “lãnh đạo phải quyết tâm làm cho Hà Nội được trong sạch”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhất là phải làm gương mẫu cho mọi người noi theo trong mọi mặt công tác. Đồng thời, phải “đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi, liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người”. Người cũng yêu cầu: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng”… Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.

Ngày 16/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội và mở rộng ngoại thành. Người căn dặn, trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh - nhiều - tốt - rẻ.

Còn nhiều những bài nói, bài viết, những lần đi thăm cơ sở tại Hà Nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, Hà Nội là nơi ghi dấu tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cho cả nước.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-ho-chi-minh-va-tinh-cam-dac-biet-danh-cho-thu-do-ta-post315552.html