Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử
(Báo Quảng Ngãi)- Những giá trị to lớn cùng với những ý nghĩa sâu sắc, thiêng liêng và tính thời đại của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 luôn mãi trường tồn cùng dân tộc và đất nước Việt Nam trên chặng đường phát triển và hội nhập.
Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Sau hơn 15 năm chuẩn bị và tập dượt, đấu tranh bền bỉ, kiên cường, vượt qua nhiều hy sinh, gian khổ, chỉ trong vòng 15 ngày cuối Tháng Tám, năm 1945 lịch sử, Cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 22.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội, ngày 25.8, Người làm việc ở số nhà 48- Hàng Ngang, nơi ra đời Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước ta. Sau đó, Người chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng để bàn và ra chủ trương, quyết định về đối nội, đối ngoại; chuẩn bị công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời và ra Tuyên ngôn Độc lập…. Đến ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước cuộc mittinh khổng lồ của hàng chục vạn nhân dân, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.
Bản Tuyên ngôn mở đầu bằng câu trích trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp theo sau, là câu trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp:… “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi…”. Đó là tư tưởng văn hóa-chính trị, nhân văn của Hồ Chí Minh- một lãnh tụ vĩ đại, suốt đời cống hiến vì dân, vì nước. Sự mở đầu của Tuyên ngôn độc lập mang tư tưởng chính trị nhưng không bắt đầu bằng lý luận mà bằng những điều hiển nhiên, được tạo hóa ban cho con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng cái “chân lý cao cả” mà nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ phải đổ bao xương máu và nước mắt để viết nên. Đó là tầm nhìn xa, sự nhạy cảm về chính trị và thông hiểu về thế giới là giành được nền độc lập, quyền tự quyết cho dân tộc đã khó, nhưng để nền độc lập đó được tất cả các nước công nhận, tôn trọng còn khó hơn nhiều.
Mặt khác, trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền cơ bản của con người và quyền của các dân tộc. Đây là những khái niệm pháp lý của quốc gia và quốc tế được xác lập thành phạm trù luật pháp quốc tế hiện đại: Quyền dân tộc cơ bản, bao gồm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó có ý nghĩa to lớn, vì trong thời điểm sau chiến tranh thế giới lần thứ II, các nước thuộc địa và phụ thuộc chưa được luật pháp quốc tế bảo vệ. Các nước đế quốc, chủ nghĩa thực dân Pháp coi vấn đề Việt Nam là vấn đề “nội bộ” của nước Pháp. Với Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã đóng góp một điểm son ngời sáng trong lịch sử luật pháp quốc tế.
Phần cuối của Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là tư tưởng lớn về nền độc lập dân tộc chân chính hoàn toàn và đặt tiền đề hướng đến tương lai ấm no, tự do, hạnh phúc.
Chính vì vậy, tại buổi mít-tinh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngày 14.5.2010 nhân kỷ niệm lần thứ 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Han D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định “Tuyên ngôn của Người bắt đầu chính từ những trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ…Quan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên Hợp Quốc đã đưa vào Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa…”. Tiếp sau đó, đến năm 1970, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mới nhất trí tuyên bố chấm dứt “vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện”.
70 năm đã trôi qua, nhưng đọc, tìm hiểu và suy ngẫm, chúng ta càng cảm nhận, tự hào về những nét độc đáo, nhạy bén chính trị cũng như sự tỉnh táo, khéo léo, linh hoạt trong nghệ thuật đấu tranh ngoại giao qua cách thể hiện tinh tế với nội dung hàm ý sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo tư tưởng của Người.
Những giá trị to lớn cùng với những ý nghĩa sâu sắc, thiêng liêng và tính thời đại của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 luôn mãi trường tồn cùng dân tộc và đất nước Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập.