Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục đào tạo

Phương pháp giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy: 'Muốn dạy người trước hết phải dạy mình'.

Quan điểm về vai trò của giáo dục

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gói gọn lại trong những câu chữ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

“Ai cũng được học hành” là một trong những ham muốn tột bậc của Cụ Hồ dành cho toàn thể đồng bào, cho những ai yêu nước thương nòi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trại Nhi đồng tại Việt Bắc (Ảnh: tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trại Nhi đồng tại Việt Bắc (Ảnh: tư liệu)

Vào thời ấy, chính sách ngu dân của thực dân Pháp tại các thuộc địa khiến một số quốc gia, vùng lãnh thổ tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính thức, một số nước coi tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai ngang hàng với tiếng mẹ đẻ.

Nếu vẫn là thuộc địa của Pháp, nếu không có Hồ Chí Minh và Cách mạng tháng Tám, người Việt ngày nay nói tiếng gì, viết chữ gì?

Trước cách mạng tháng 8/1945, cụm từ “Việt Minh” được hiểu là viết tắt của “Việt Nam độc lập đồng minh hội”, nhưng cũng có một cách hiểu khác, theo đó “Việt Minh” là tên dân tộc ghép với tên lãnh tụ.

Nhờ có Việt Minh mà nước Việt được khôi phục lại vị thế trên bản đồ thế giới nhưng muốn sánh vai một cách bình đẳng với mọi quốc gia thì sức mạnh quân đội là chưa đủ. Một quốc gia mạnh phải hội đủ các yếu tố kinh tế, ngoại giao, khoa học, giáo dục,… trong một thể chế chính trị được toàn dân ủng hộ.

Lý luận của Hồ Chủ tịch rất đơn giản: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người khẳng định: “Dốt thì dại, dại thì hèn; vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới”.

Giữa bộn bề khó khăn, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày 03/09/1945 Hồ Chủ tịch đã nêu vấn đề giáo dục.

Một tuần sau, ngày 08/09/1945, Người ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục là “Sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ”; “Sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân” và “Sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền”.

Đề cập đến “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trong phiên họp, Hồ Chủ tịch đưa ra 6 nhiệm vụ, nhiệm vụ thứ 4 là “Phải giáo dục lại nhân dân chúng ta”.

Phải coi đó là nhiệm vụ cấp bách bởi như giải thích của Người: “Chế độ cũ đã hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác”.

Ngày nay, với giặc nội xâm là bọn tham nhũng, là những “bầy sâu” đục khoét ngân sách và đạo đức xã hội, chúng ta cần “giáo dục lại nhân dân chúng ta” hay “giáo dục lại cán bộ chúng ta”?

Một trong những lĩnh vực Hồ Chủ tịch quan tâm suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình là giáo dục các thế hệ người Việt lòng yêu nước, ý chí vươn lên để “Sánh vai cùng với các cường quốc năm châu”.

Để dân tộc “không dốt, không dại, không hèn” chỉ ba ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch đã viết thư gửi học sinh cả nước, bức thư có đoạn:

“Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Xem nhẹ vai trò giáo dục hoặc chỉ động viên giáo dục bằng những từ hoa mỹ chính là làm cho dân tộc yếu.

Trong thời đại những kẻ nhiều tiền lắm súng luôn nhòm ngó nơi hải đảo, biên giới, dân tộc yếu sớm muộn sẽ bị lệ thuộc, nguy cơ trở thành nô lệ là hiện hữu.

Triết lý và phương pháp giáo dục

Đọc kỹ bức thư Hồ Chủ tịch gửi học sinh cả nước, có thể thấy tư tưởng giáo dục của Người rất sáng tỏ, chính xác và không hề lạc hậu sau gần tám mươi năm.

Đó là một nền giáo dục với mục tiêu: “Đào tạo học sinh thành những công dân hữu ích cho nước Việt Nam”. Đó là một nền giáo dục với triết lý: “Giúp phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh”.

Sau nhiều năm, nền giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đã có nhiều thành tựu đáng kể. Mặc dù vậy, những gì đã đạt được vẫn còn khá khiêm tốn và chúng ta vẫn đang loay hoay tìm hướng “phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có” của học sinh để trở thành những công dân hữu ích.

Vẫn phải cố gắng để không còn đua nhau lấy học trò làm chuột bạch, định hướng đào tạo ra những “con vẹt” giỏi bắt chước.

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc ngày 19/2/1959, Hồ Chủ tịch nhắc nhở: “Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”.

Phương pháp giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy: “Muốn dạy người trước hết phải dạy mình”. Điều này trùng khớp với điểm thứ nhất “Tu thân” trong quan điểm “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hai đối tượng cần đặc biệt quan tâm trong sự nghiệp giáo dục là nhà giáo và học sinh.

Giáo dục trẻ em lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, Người cho rằng “Trẻ em như búp trên cành; Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Trẻ em ngày nay không chỉ “Biết ăn ngủ, biết học hành” mà còn phải biết nhiều kỹ năng khác, đó là kỹ năng ứng xử nơi công cộng, biết tự bảo vệ mình… và có lẽ điều quan trọng nhất mà chúng ta đều mong muốn đó là mỗi đứa trẻ lớn lên đều sẽ trở thành người tử tế.

Nói như Bác: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền/ Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Với nhà giáo, Hồ Chủ tịch yêu cầu: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Người cho rằng “Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt”.

Thực tế cho thấy nền giáo dục nước nhà quả đã “đúc” ra một bộ phận không nhỏ “công dân không tốt, cán bộ không tốt”, mặc dù không phải số nhiều nhưng cũng là một nguy cơ không thể xem thường.

Vấn đề cần rạch ròi là xác định loại “khuôn” nào đúc ra “công dân không tốt”, loại “khuôn” nào đúc ra “cán bộ không tốt” để có hướng xử lý cụ thể.

Ngăn chặn gian dối trong giáo dục

Vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018 chỉ là một sự kiện nho nhỏ trong bức tranh tổng thể về tham nhũng giáo dục bởi không có gì chắc chắn các năm trước và tại 60 tỉnh thành phố còn lại không xảy ra gian lận thi cử.

Góp phần gian lận điểm thi không chỉ bộ phận quan chức địa phương mà còn có vai trò của cơ quan quản lý trung ương, không chỉ cha mẹ học trò mà còn chính các học trò cũng đồng lõa, và do đó nạn dối trá trong giáo dục đang xảy ra là ở mọi cấp độ.

Nguồn gốc của tình trạng đó là bởi có cán bộ đã xem việc “Chăm sóc, giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau” là của ai đó chứ không phải của mình. Đối với những người này, đời họ và đời con cháu họ quan trọng hơn “đời sau” của đất nước.

“Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”, điều này được thể hiện trong các chủ trương, đường lối của Đảng, trong rất nhiều văn bản đã ban hành.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới đội ngũ nhà giáo, luôn quan tâm tới mọi hoạt động giáo dục và xác định đó là quốc sách hàng đầu.

Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh được hình thành trong quá trình người bôn ba khắp các nước Pháp, Anh, Liên Xô, Trung Quốc,… tìm đường cứu nước.

Đó là những tinh hoa của nhân loại được Người đã chắt lọc cho phù hợp với hoàn cảnh nước Việt, tâm lý người Việt sau những năm tháng nô lệ.

Ngày nay các lớp cháu con vẫn đang kiên trì học tập và làm theo tư tưởng của Người. Đó là tư tưởng, tầm nhìn vượt thời đại, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

*Bài viết có tham khảo tư liệu từ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Báo Nhân dân, Báo Lao động và các nguồn tư liệu khác.

Xuân Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chu-tich-ho-chi-minh-voi-giao-duc-dao-tao-post206103.gd