Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 vấn đề cho ngành Giáo dục

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức, yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao… đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó.

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Thách thức càng lớn nhà giáo càng cần củng cố các giá trị cốt lõi

Tại diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đất nước vừa mới thoát nghèo và đang trên đường phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Nhưng về giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã đạt được những kết quả lớn, trong đó có một vài chỉ số mà không phải nước phát triển nào cũng đạt được.

Chẳng hạn, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Dương Triều

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Dương Triều

Giáo dục phổ thông đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong top 10 các quốc gia có thành tích các kì thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới. Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại các trường đại học nước ngoài thuận lợi và giành được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới.

Cả nước có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp đại học (theo cơ sở dữ liệu dân cư), 24 triệu người đang đi học ở các bậc, các trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục trong cả nước.

Việt Nam đã có 4 đại học có mặt trong top 1.000 của bảng xếp quốc tế có uy tín QS. Một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 của châu Á.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp các nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục. Ảnh: Dương Triều

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp các nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục. Ảnh: Dương Triều

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục và đào tạo đang đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó: vừa giải quyết những vấn đề mang tính cơ bản, tối thiểu cho giáo dục lại phải hội nhập với thế giới, phát triển giáo dục với yêu cầu cao của thời cách mạng công nghiệp mới.

Đất nước đang trong thời kì chuyển đổi, giáo dục cũng đang trong thời kì chuyển đổi sâu sắc, rất nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình đổi mới cần tập trung giải quyết không thể một sớm một chiều.

Đó là thách thức của việc đảm bảo công bằng tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng trong sự chênh lệch giàu nghèo, với sự chênh lệch về điều kiện và cơ hội tiếp cận giáo dục, nhất là tiếp cận giáo dục chất lượng tốt; thách thức của việc phát triển một cách công bằng giữa hai hệ thống giáo dục công và tư; thách thức của việc giáo dục phải giải quyết các vấn đề phi truyền thống đối với con người trong xã hội hiện đại như các vấn đề trẻ em tự kỉ, trầm cảm, trẻ em bị bỏ rơi thiếu sự chăm sóc trong các gia đình khi các cặp cha mẹ li hôn với tỉ lệ rất cao.

Thách thức còn ở chỗ căng thẳng xã hội, bạo lực trực tuyến, sự thay đổi về hệ giá trị khi đất nước chuyển mạnh sang cơ chế thị trường với sự hiện diện mới của cái ác và sự ích kỉ; thách thức của thời đại số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, sự bùng nổ về tri thức; sự cạnh tranh về thu hút chất xám và người học trên quy mô toàn cầu ngày càng gay gắt; thách thức của việc các bậc phụ huynh và các cấp quản lí còn quá nặng về thành tích...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỉ nguyên mới, cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo giỏi hơn. Thách thức càng lớn nhà giáo lại cần củng cố các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới.

"Những giá trị từ truyền thống như học không biết chán, dạy không biết mỏi, tinh thần bao dung, vị tha, hi sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Nên phát động phong trào 'bình dân học vụ số'

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục cũng như các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tổng Bí thư đánh giá cao những thành tựu của ngành giáo dục trong sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thế giới đang trong thời kì thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức; yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao… đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Dương Triều

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Dương Triều

Những vấn đề về nhân lực và đổi mới giáo dục đào tạo không mới, đã được Đảng ta xác định trong văn kiện nhiều kỳ Đại hội từ Đại hội XI của Đảng đến nay, cho thấy khó khăn cũng đòi hỏi sự chung sức đồng lòng, quyết tâm rất lớn của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đột phá chiến lược này. Từ đó, Tổng Bí thư gợi mở cho ngành Giáo dục 3 vấn đề.

Thứ nhất, mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện cho bằng được đó là “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”. Trong đó gồm các nội dung như bám sát quan điểm, mục tiêu phát triển đất nước để xác định nhu cầu, nội dung đào tạo, trên cơ sở đặt hàng của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động với nhà trường.

Phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế, cụ thể đến năm 2030 Việt Nam trong 3 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học lọt Top 100 trường hàng đầu trên thế giới.

Thứ hai, về một số công việc cần làm ngay như có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”.

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kĩ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

"Tôi tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hi sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành Giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tong-bi-thu-to-lam-goi-mo-3-van-de-cho-nganh-giao-duc-post1692539.tpo