Chủ tịch Hồ Chí Minh với mốc son vàng ngoại giao cách mạng Việt Nam
Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Cách đây 52 năm, ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ XX, đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau những năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm lược.
Cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ của quân, dân ta trên chiến trường và cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris nhằm buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam Tết Mậu Thân năm 1968 làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, là “một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”.
Trong tình hình đó, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã tuyên bố: Hy vọng đi tới hội nghị hòa bình với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.
Ngày 03/4/1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Tuy nhiên, phải mất 30 ngày, hai bên mới thỏa thuận, thống nhất được địa điểm họp ở Paris theo sáng kiến của ta.
Ngày 13/5/1968, Hội nghị Paris giữa phái đoàn VNDCCH và Hoa Kỳ chính thức bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, phố Kléber. Trưởng đoàn VNDCCH là ông Xuân Thủy.
Trong khi đàm phán ở Paris diễn ra thì tình hình chiến trường cũng không kém phần sôi động và quan hệ quốc tế giữa các nước lớn, giữa hai phe cũng diễn ra rất phức tạp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng chí Xuân Thủy: Đàm phán với Mỹ phải thận trọng và kiên trì, vững vàng và khôn khéo, nhất là phải chú ý theo dõi sát tình hình trong nước và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Người cũng thường xuyên họp với Bộ Chính trị để nghe báo cáo về tình hình chiến sự ở miền Nam và diễn biến của cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris.
Để đánh giá đúng thắng lợi có ý nghĩa chiến lược này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp Bộ Chính trị bàn về công tác đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris.
Ngày 03/11/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc với tinh thần: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”(1).
Ngày 25/01/1969, lần đầu tiên diễn ra đàm phán giữa bốn bên tham chiến để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam; Hội nghị bốn bên gồm đại diện của VNDCCH, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa long trọng khai mạc. Trưởng đoàn MTDTGPMNVN là ông Trần Bửu Kiếm.
Ngày 08/5/1969, Đoàn MTDTGPMNVN đưa ra tuyên bố của Mặt trận về “Những nguyên tắc và nội dung chủ yếu của giải pháp toàn bộ về vấn đề miền Nam Việt Nam, góp phần lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Tháng 5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã chỉ thị cho đồng chí Xuân Thủy - Trưởng đoàn đám phán Paris khi về nước báo cáo tình hình: “Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược lúc này...; nắm vững thời cơ, phối hợp với tiến công quân sự và tiến công chính trị, tiến công liên tục và sắc bén, kiên trì nguyên tắc, khéo vận dụng sách lược, vừa kiên quyết, vừa linh hoạt, buộc Mỹ phải rút quân và nhận một giải pháp chính trị đáp ứng yêu cầu cơ bản của ta”(2). Đồng thời, Người nêu rõ quan điểm là muốn có hòa bình, “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam”(3) và Việt Nam “sẵn sàng cho Mỹ rút quân có thể diện”, trải thảm đỏ cho đế quốc Mỹ rút quân về nước...
Ngày 08/01/1973, vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Paris. Ngày 13/01/1973, các bên hoàn thành văn bản của Hiệp định; những đợt gặp riêng giữa ông Lê Đức Thọ - Xuân Thủy và Kissinger kết thúc. Ngày 23/01/1973, Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris không điều kiện.
Về cơ bản, Việt Nam đã bảo vệ được các nguyên tắc và nội dung cơ bản: Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút quân trong 2 tháng; giữ nguyên trạng về chính trị; Hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc 3 thành phần; hoàn toàn không đề cập vấn đề quân đội miền Bắc.
Ngày 27/01/1973, Bộ trưởng Ngoại giao bốn bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH), Nguyễn Thị Bình - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, W.Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn Văn Lắm (chính quyền Sài Gòn) đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 nghị định thư liên quan.
Ngày 28/01/1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành. Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Thắng lợi của Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Hiệp định Paris là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Đồng thời, Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Đây là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.
Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình, công lý.
Bác Hồ dạy: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to, tiếng mới lớn”.
Thắng lợi của Hội nghị Paris bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế.
Hội nghị Paris là hành trang quý giá để chúng ta vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế, củng cố, nâng cao thế và lực của đất nước.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta. Sau 40 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, đối ngoại phải tiếp tục là mặt trận quan trọng góp phần xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tinh thần Hội nghị Paris, công tác đối ngoại nhất định sẽ tiếp tục ghi tiếp các mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, mỗi cán bộ, đảng viên nguyện nêu cao ý chí cách mạng, đoàn kết, nhất trí, chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình; nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo, nêu cao khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng./.
Nguyễn Thanh Hoàng
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 12, tr.407
(2) Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.36-37.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 12, tr.489.