Chủ tịch Hồ Chí Minh với những bài thơ mừng sinh nhật
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà hoạt động chính trị mà còn là nhà thơ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Trong gia tài thi ca Hồ Chí Minh, có 4 bài thơ về tuổi tác mà Người đã viết trong những dịp sinh nhật.
Mang dáng dấp của bậc “tiên phong, đạo cốt” nhưng Hồ Chí Minh không hề xa lánh cuộc đời mà ngược lại, trái tim Người luôn tràn đầy khát vọng hành động, dâng hiến và tình yêu cuộc sống. Cả 4 bài thơ mừng sinh nhật của Người đều toát lên tinh thần ấy. Vào dịp đón sinh nhật lần thứ 59, Người viết bài “Không đề”:
“Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”[1]
Bài thơ nói về tuổi tác nhưng chứa đựng trong đó triết lý nhân sinh của con người sống theo tinh thần “Dĩ công vi thượng”. Bài thơ còn đặc biệt ở chỗ: Thực chất đây là một lời từ chối nhưng Người từ chối mà không làm cho người đưa ý kiến thất vọng bởi khẳng định rằng, mong muốn ấy sẽ có cơ hội được thực hiện trong tương lai - khi sự nghiệp kháng chiến thành công. Cách Người xưng hô cũng thật khiêm nhường: Bạn và ta; tuyệt nhiên không có khoảng cách giữa lãnh tụ và thuộc cấp, giữa người trên và kẻ dưới.
Vẫn tiếp mạch thơ về tuổi tác, tháng 5-1950, Hồ Chí Minh viết bài thơ “Sáu mươi tuổi” với cái nhìn rất đỗi lạc quan:
“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên”[2]
Nếu so với quan điểm của người xưa, rằng “lão lai tài tận, lão giả chi an” (người già thì tài hết, người già nên ở yên) thì Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng trong nhận thức về vấn đề tuổi tác. Để khẳng định sức trẻ, thậm chí là rất trẻ của mình, Người hóm hỉnh so mình với cụ Bành tổ ba nghìn tuổi. Người còn bổ sung triết lý “Ăn được, ngủ được là tiên” của người xưa thành một triết lý nhân sinh mới: “Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/Trần mà như thế kém gì tiên”. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi muốn có cái ăn và cái ngủ tốt, con người ta phải làm việc. Chỉ trong lao động, con người mới bộc lộ được các giá trị người của mình. Với Hồ Chí Minh, ăn khỏe, ngủ ngon chỉ là tiền đề, là điều kiện để làm việc khỏe và làm việc ở đây là làm việc cho nước, cho dân chứ không đơn giản là cái kế sinh nhai. Tiêu chí về chữ “tiên” của Người do đó vừa cao cả, vừa đầy tính hiện thực. Con người Hồ Chí Minh vì thế vừa rất đời thường mà lại vô cùng “thoát tục”.
Năm 1953, Người đón sinh nhật với bài thơ chữ Hán mà tên gọi đã toát lên sự hóm hỉnh: "Thất cửu" (bảy chín - tức bảy nhân chín bằng 63 chứ không phải 79 tuổi). Bài thơ này được nhà thơ Xuân Thủy dịch như sau:
“Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”[3]
Trong đời có không ít những con người tuổi đời dù còn trẻ nhưng đã yếm thế và tuyệt vọng. Cái yếu của họ không nằm ở sức khỏe, tuổi tác mà ở ý chí, nghị lực. Thái độ sống, phong cách sống sẽ quyết định chất lượng sống. Với con người “tuổi cao chí càng cao” như Hồ Chí Minh, lòng say mê công việc, ý chí hiến dâng và cách sinh hoạt thanh đạm, chừng mực đã mang lại cho Người một sức xuân đặc biệt. Việc Người cảm nhận mình vẫn ở thời “đương trai” do đó là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đón sinh nhật lần thứ 78, Người lại viết:
“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta”[4].
Hồ Chí Minh là người hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng mà cách mạng thì luôn đổi mới, luôn phát triển và hướng đến tương lai nên Hồ Chí Minh cũng cảm nhận từ đó nguồn sinh khí không bao giờ vơi cạn. Vì thế, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm” được 8 năm, Người thừa nhận là mình đã già nhưng vẫn là “chưa già lắm”, vẫn còn sức lực để đồng hành cùng dân tộc.
Trở lại với 24 lần đón sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bài thơ mừng sinh nhật của Người, ta cảm nhận rõ hơn điều mà Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Khó kiếm thay một người người công lao đã đạt tới đỉnh cao nhất của vinh quang mà vẫn giữ tính khiêm tốn giản dị y như thuở hàn vi trong vòng bất hợp pháp” [5]. Con người Hồ Chí Minh giản dị một cách thanh tao, vĩ đại một cách khiêm nhường và chính điều đó làm nên nét đặc sắc của Người. Dù rằng cuộc đời Người chỉ dừng ở 79 mùa xuân và trong di sản thi ca của Người chỉ có 4 bài thơ mừng sinh nhật thì lễ mừng sinh nhật Người, thơ viết về Người vẫn được con cháu tiếp nối đến muôn đời sau.
PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT (Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí Tuyên truyền)
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.72.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.376.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.130.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.458.
[5] Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh chân dung một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 35,