Chủ tịch Hòa Phát: Xin đất làm trại lợn còn khó hơn trại hủi
Nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình làm nông nghiệp liên quan đến môi trường, tập đoàn phải tìm hướng giải quyết.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), vấn đề môi trường xoay quanh 2 lĩnh vực chủ lực là sản xuất thép và nông nghiệp được cổ đông quan tâm. Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ tập đoàn luôn thực hiện các giải pháp môi trường ở mức độ tốt nhất.
Trong mảng nông nghiệp, ông Long khẳng định Hòa Phát luôn dành kinh phí lớn để đầu tư xử lý môi trường tất cả trang trại nuôi bò, nuôi lợn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi những vấn đề hoàn toàn mới.
Chủ tịch Hòa Phát dẫn chứng việc xử lý chất thải ở trang trại lợn ở Bắc Giang đảm bảo yêu cầu. Nhưng do nằm ở thung lũng và ngược hướng gió, mùi bị đẩy về phía nhà dân. Điều này là yếu tố chưa được tính đến nhưng Hòa Phát không bảo thủ, luôn áp dụng công nghệ mới nhất để xử lý các vấn đề phát sinh.
Ông Long nói khi Hòa Phát bắt đầu làm nông nghiệp “như một trang giấy trắng”. Ban lãnh đạo đi nhiều trang trại để học hỏi và từng đặt câu hỏi vì sao CP - tập đoàn Thái Lan có tiền nhưng không xây trang trại mà thuê người dân. “Đến nay, chúng tôi mới nhận ra là họ khôn hơn mình rất nhiều. Họ đẩy phần môi trường cho người dân chịu”, ông Long nói.
Tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ đầu năm 2015. Hiện CTCP Phát triển nông nghiệp Hòa Phát có vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng, cung cấp bò Úc, trứng gà sạch, thịt lợn và thức ăn chăn nuôi. Sau 5 năm, Hòa Phát hiện đứng đầu về sản lượng tiêu thụ bò Úc toàn quốc, với 50% thị phần. Sản lượng trứng gà cũng dẫn đầu miền Bắc với sản lượng 450.000 quả/ngày. Với chăn nuôi lợn, thị phần của Hòa Phát đứng thứ 17, với khoảng 200.000 con.
Mục tiêu mảng nông nghiệp của Tập đoàn thép số 1 Việt Nam là tối đa công suất lên 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 con lợn thương phẩm/năm, 150.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.
Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu mảng nông nghiệp sẽ đóng góp 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.200 tỷ đồng, lớn thứ hai sau mảng thép. Trong quý I, lợi nhuận từ mảng nông nghiệp đạt 480 tỷ đồng, chiếm 21% lợi nhuận toàn tập đoàn. Con số này tiếp tục duy trì trong quý II.
Nông nghiệp lãi lớn khiến nhiều nhà đầu tư không ngừng đặt câu hỏi liệu Hòa Phát có tập trung đầu tư mảng này bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thép. Tuy vậy, vị Chủ tịch cũng thừa nhận lãi lớn từ nông nghiệp là do giá thịt lợn tăng mạnh và sẽ không thể mãi giữ ở mức cao này.
Đầu tư nông nghiệp, theo ông Long không thể vội. Hòa Phát cũng sẽ tăng đầu tư thêm nhưng rất thận trọng, "làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy". Trong ngắn hạn, tập đoàn chỉ đầu tư mở rộng tăng công suất ở mức độ vừa phải.
Mặt khác, ông Long nhận định đầu tư nông nghiệp, hiện nay không dễ. "Tìm đất để xây dựng trại heo trại bò rất khó, khó hơn xin đất làm trại hủi", ông Long nói.
Với dự án Khu liên hợp Dung Quất, ông Long nói quá trình xây dựng liên quan nhiều đến vấn đề môi trường như ô nhiễm khí thải, nguồn nước thải. Tập đoàn đầu tư vào giải pháp xử lý môi trường theo phương án UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, “lớn hơn rất nhiều so với các dự án tập đoàn làm tại Việt Nam”.
Ông Long nhận định ngành thép ảnh hưởng đến môi trường lớn, do đó cố gắng làm tốt nhất có thể trong khả năng. Khu liên hợp Dung Quất là dự án phức tạp.
Dự án Dung Quất là khu liên hợp thứ hai của Hòa Phát (sau nhà máy tại Hải Dương), được triển khai từ năm 2017 tại KCN phía Đông, Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư vừa được điều chỉnh lên 60.000 tỷ đồng với 4 lò cao cho công suất 4 triệu tấn thép mỗi năm. Giai đoạn 1, khu liên hợp sẽ cung cấp thép dài và thép dẹt. Giai đoạn 2, nhà máy sẽ sản xuất thép cuộn cán nóng.
Theo ông Long, Hòa Phát đang sử dụng 500 ha đất dự án, khoảng 150 ha dân sống xung quanh và bị tác động bởi khu liên hợp. UBND tỉnh và tập đoàn nhìn thấy sự ảnh hưởng này. Vì vậy, dù khu đất xung quanh dù Hòa Phát chưa dùng, tập đoàn chấp nhận giải ngân sớm để giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân rời đi.
Ông Long nói việc tái định cư của người dân là do cơ quan quản lý thực hiện, Hòa Phát sẵn sàng ứng tiền. Người dân thời gian qua tập trung đến trước cổng công ty cũng vì vấn đề tái định cư. Người đứng đầu Hòa Phát chia sẻ ban lãnh đạo hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với người dân muốn dời đi sớm vì những tác động bởi dự án Dung Quất.
“Hòa Phát sẽ làm tất cả những gì có thể sớm nhất, ứng trước tiền để làm tái định cư, ứng tiền cho bà con thuê nhà trong thời gian hoàn thiện khu tái định cư trong 2- 3 năm. Chúng ta sẽ làm hết”, ông Long khẳng định. Một số người dân hiểu được cái khó và chia sẻ với tập đoàn.
Với khu liên hợp Dung Quất, Chủ tịch Trần Đình Long từng khẳng định khi 4 lò cao đi vào hoạt động, công suất sản xuất toàn tập đoàn dự kiến đạt 8 triệu tấn thép mỗi năm, vượt Formosa (6 triệu tấn), trở thành công ty thép lớn nhất Việt Nam.