Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP.HCM: Đang rất thiếu nhân lực, vật lực chống dịch COVID-19
Với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, TP.HCM hiện đã trở thành 'điểm nóng' nhất về phòng chống đại dịch Covid-19. Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đã trả lời phỏng vấn của Nhà báo và Công luận về tình hình phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố TP.HCM.
TP.HCM đang nhận được sự tình cảm của rất nhiều người dân trên cả nước. (Ảnh: Nguoilaodong)
Ông đánh giá thế nào về tình hình đời sống của người dân ở TP.HCM hiện nay dưới ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19?
-Từ trước tới nay, TP.HCM được mệnh danh là thành phố trẻ trung, năng động, là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Thế nhưng, với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, thành phố đang sống “chậm lại”, không còn cảnh hối hả, nhộn nhịp như mọi ngày.
Nhiều điểm vui chơi giải trí, hoạt động kinh doanh phải tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị 16. Một số bệnh viện, khách sạn,... chuyển đổi công năng, trở thành “bệnh viện dã chiến” điều trị Covid-19. Một số khu nhà ở trở thành địa điểm cách ly tập trung, và hiện nay có khoảng 8.000 điểm cách ly như vậy.
Có thể nói, TP.HCM đang rất khó khăn. Thế nhưng, trước sự đồng lòng của lãnh đạo từ trung ương tới địa phương và người dân thành phố, tôi cho rằng những khó khăn này sẽ nhanh chóng được giải quyết.
Theo ông, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM hiện nay là gì?
-Hiện nay, tất cả các công tác phòng chống dịch bệnh tại thành phố, từ y bác sĩ, cán bộ truy vết dịch bệnh, cho tới công tác hậu cần, đều đang thiếu nhân sự.
Ví dụ, Hội chữ thập đỏ TP.HCM tập trung vào 2 mảng lớn. Thứ nhất, cán bộ, nhân viên trong Hội sẽ hỗ trợ lực lượng y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, thực hiện công việc xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh điều trị Covid-19.
Thứ hai, một số nhân sự trong hội thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19, người yếu thế trong xã hội, như người lao động bị mất việc làm, hộ nghèo, người vô gia cư;... Nhưng do không đủ nhân sự, nên cán bộ trong Hội, một người cũng kiêm nhiều việc.
Dù vậy, lợi thế của chúng tôi là nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân, các tình nguyện viên, các y bác sĩ, nên thời điểm này, chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ thành phố chống dịch.
Nhiều địa điểm phát cơm tình nguyện trong mùa dịch.
Như ông đã chia sẻ, một trong hai nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ là hỗ trợ người yếu thế trong xã hội, chịu tác động bởi đại dịch Covid-19. Vậy, hoạt động này có khó khăn gì không, thưa ông?
-Theo tôi, khó khăn thì cũng có, nhưng không nhiều. Bởi, hoạt động hỗ trợ người dân đã nhận được ủng hộ rất lớn từ Chính phủ, UBND TP.HCM và cả nhiều nguồn ủng hộ từ người dân, doanh nghiệp.
Nghị quyết số 9, của HĐND TP.HCM cũng vận dụng, chăm lo cho nhiều đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng như công nhân mất việc hay những người yếu thế trong xã hội không phân biệt thường trú hay tạm trú.
UBND TP.HCM cũng quyết định chi 800 tỷ đồng, để thực hiện nội dung này. Đặc biệt, nhằm giải ngân nhanh, UBND TP.HCM quyết định cắt giảm thủ tục, để số tiền này nhanh chóng đến đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Điều đáng trân trọng nhất, là việc nhiều doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước đều hướng về TP.HCM. Dù là hành động nhỏ nhất, nhưng cũng đều đáng quý.
Nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tình thần trách nhiệm của người Việt, “lá lành đùm lá rách” lại cần được phát huy. Do đó, chúng tôi mong muốn không để người dân nào bị đói, bị bỏ lại phía sau.
Mọi người dân TP.HCM đang thể tình tình cảm của mình, bằng cách riêng của họ.
Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của đội ngũ tham gia phòng, chống dịch ở TP.HCM?
-Tôi rất ấn tượng về những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Vừa qua, họ không quản ngại cái nóng tháng 7 của TP.HCM, sẵn sàng khám, chữa bệnh, xét nghiệm cho người dân.
Hoặc lực lượng công an, quân đội, cán bộ truy vết các ca nhiễm lên tới hàng vạn người, đến từ nhiều nơi trên cả nước, cùng chung tay với TP.HCM chống lại sự “bành trướng” của dịch bệnh, để cuối cùng là đảm bảo cái thực hiện xét nghiệm, cách li và điều trị.
Trong số đó, có nhiều bạn sinh viên trường y, dược còn rất trẻ, cũng có y bác sĩ, chiến sĩ công an mới lập gia đình, hay có con nhỏ cũng sẵn sàng ra tuyến đầu chống dịch. Họ sẵn sàng hy sinh sức khỏe, nguy cơ bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng vẫn thực hiện theo lý tưởng của họ.
Trong thực tế, tôi thấy có trường hợp, một tình nguyện viên có sức khỏe chẳng tốt, nhưng cũng có tinh thần đăng ký xung phong thực hiện công việc chống dịch. Đó là hình ảnh rất đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết của người Việt.
Mỗi người, mỗi cá nhân đều có cách ủng hộ, hỗ trợ TP.HCM theo cách của riêng mình. Ví dụ, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ công an quân đội, ủng hộ thành phố bằng cách góp một phần công sức trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Đối với các doanh nghiệp hoặc các cá nhân có điều kiện tài chính thì ủng hộ tiền. Trong khi đó, có trường hợp, nông dân hỗ trợ “của nhà trồng được, dù chỉ là vài trăm quả trứng, một ít gạo, hay rau củ quả, tất cả đều đáng trân quý.
Ngay tại TP.HCM, nhiều người bỏ tiền túi ra đều làm các chuyến xe tình nghĩa, các điểm cơm từ thiện, ATM gạo từ thiện, hay các quầy hàng tặng quà, tặng nước cho người dân. Tất cả những tình cảm này đều xuất phát từ cái tâm của họ, đều mong muốn góp một phần nhỏ để hỗ trợ TP.HCM vượt dịch thành công.