Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam Chất lượng cao: Gần 3 thập kỷ 'xây bệ đỡ' cho thương hiệu Việt
Để cạnh tranh được trên sân nhà cũng như vươn ra 'biển lớn', doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, đảm bảo sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn hội nhập.
Đó là chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao với Người Đưa Tin.
“Đến cửa không qua được vòng gửi xe”
Người Đưa Tin: Là người có công đầu trong việc khởi động dự án xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam từ cuối những năm 1990, bà đánh giá thế nào về các doanh nghiệp trong nước với chương trình này?
Bà Vũ Kim Hạnh: Tôi còn nhớ, hơn 20 năm trước các doanh nghiệp Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về thương hiệu, nhưng qua chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao và dự án xây dựng thương hiệu cho hàng Việt, đến nay nhiều doanh nghiệp đã ý thức được việc xây dựng thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành bại.
Muốn vững vàng, lớn mạnh và đủ sức vươn xa, doanh nghiệp phải luôn đảm bảo hàng hóa sản xuất ra chất lượng tốt, đúng với nhu cầu của thị trường, liên tục xây dựng thương hiệu.
Người Đưa Tin: Nhiều năm làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chất lượng sản phẩm, bà đánh giá như thế nào về tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam trước đòi hỏi hội nhập quốc tế?
Bà Vũ Kim Hạnh: Về vấn đề tiêu chuẩn của nông sản, hàng hóa Việt để xuất khẩu, mình vào nhà ai thì cũng phải được phép của người ta. Mình đi ra thế giới cũng phải có passport, giấy thông hành. Hàng hóa cũng vậy. Người ta muốn đón nhận hàng hóa của mình thì người ta phải biết được mình đã có những nỗ lực gì để đạt được tiêu chuẩn hàng hóa lên kệ siêu thị, có thể sánh vai với hàng hóa của họ trên những không gian phục vụ cho người tiêu dùng.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nghĩ rằng, mình có hàng hóa tốt, tìm được một nhà phân phối là có thể bước vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, “đến cửa không qua được vòng gửi xe” mới thấy sự đời không phải đơn giản như vậy.
Người Đưa Tin: Nhưng thực tế là vẫn có tình trạng “chạy” giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng như câu chuyện về rau sạch bán trong siêu thị mà báo chí từng phản ánh?
Bà Vũ Kim Hạnh: Đúng vậy, rau VietGAP giả vào các hệ thống phân phối lớn là một câu chuyện về niềm tin. Khi người ta đi mua giấy chứng nhận để vào được các hệ thống phân phối, bán lẻ, người ta không hiểu rằng, bản thân những chứng nhận đó là con đường cần thiết buộc mỗi cá nhân, doanh nghiệp phải trải qua.
Tất cả những việc mình học, thực hành, tất cả những quy trình, kỷ luật giúp cho mình đảm bảo ổn định trong sản xuất, ổn định về chất lượng, tạo được niềm tin vững chắc với nhà phân phối, người tiêu dùng.
Nhà sản xuất, cung ứng cần phải hiểu rằng, thế nào là sản xuất an toàn, thế nào là sản phẩm đảm bảo được an toàn và sức khỏe người tiêu dùng. Khi ấy, họ sẽ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật để được cấp chứng nhận.
Vươn ra quốc tế nhưng không lơ là “sân nhà”
Người Đưa Tin: Theo bà, doanh nghiệp và người nông dân phải làm gì để chủ động hơn trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, vốn là điều không dễ?
Bà Vũ Kim Hạnh: Những lần đi khảo sát, nhiều nông dân nói với chúng tôi, "tự nhiên bày ra nhiều tiêu chuẩn làm gì, tôi đẩy bán hết cho thương lái là xong”. Nhưng chính vì suy nghĩ như vậy mà người nông dân không làm chủ được sản phẩm của họ và họ trao hết hiệu quả lao động của mình vào tay thương lái. Chúng ta vẫn cần thương lái, nhưng nếu không có tiêu chuẩn, công bằng, luật pháp thì người nông dân sẽ mãi mãi bị chèn ép.
Chất lượng của sản phẩm, sự an toàn của sản phẩm được thẩm thấu trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào, cho đến phân bón, vật tư, quy trình sản xuất... đến khâu cuối cùng.
Do đó, nếu tuân thủ thực hiện quy trình này một cách có nề nếp, kỷ luật, tuân thủ nghiêm túc từng yêu cầu nhỏ nhất trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ thì nông dân, doanh nghiệp phát triển ổn định bền vững và đạt được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Ví dụ như chuối của ông Võ Quan Huy, tỉnh Long An xuất khẩu đi Nhật, Hàn Quốc phải đạt hơn 200 chỉ tiêu và tất cả nông dân đều phải tuân thủ tất cả những tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, khi đã thành nếp, tuân thủ nghiêm túc thì người ta không còn so đo đếm từ 1 đến 200 chỉ tiêu vì tất cả đã trở thành điều cần phải làm.
Khi làm ăn với quốc tế, không có cách nào để “lách” được đâu mà buộc chúng ta phải tuân thủ, tôn trọng đúng quy trình, những tiêu chuẩn khắt khe về nhà máy, đất đai, nguyên liệu, nguồn nước, phân bón… trong suốt quá trình sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm, hàng hóa của Việt Nam, tạo lòng tin với bạn bè quốc tế, tham gia vào thị trường toàn cầu một cách bền vững và ngày càng phát triển.
Người Đưa Tin: Trong lúc chúng ta tìm cách đưa hàng Việt Nam ra quốc tế thì tại thị trường trong nước những năm qua đã có nhiều chuyển biến khó lường phải không, thưa bà?
Bà Vũ Kim Hạnh: Hội nhập sâu, thị trường mở cửa, bên cạnh những cái được cũng phải chấp nhận những khó khăn là hàng hóa từ các nước khác sẽ tràn vào Việt Nam, đặc biệt là hàng trong khối ASEAN.
Thời gian qua đã diễn ra những thương vụ của các tập đoàn nước ngoài mua lại các kênh bán lẻ, phân phối lớn tại Việt Nam, như: BigC, Metro, Nguyễn Kim đều đã về tay người Thái Lan, và những thương hiệu bán lẻ khác là Fivimart, Citimart cũng đã thuộc về nước ngoài. Do đó, cuộc đối đầu của doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nước ngoài đang là thách thức lớn khi lợi thế nghiêng về phía ngoại.
Hiện nay, hệ thống bán lẻ trong nước chỉ còn Vingroup và Saigon Co.op, đây là bất lợi lớn cho các doanh nghiệp trong nước trong việc giữ thị phần ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước vẫn còn những ngách riêng để phát triển và mở rộng thị trường. Đó là những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng ven đô thị là những nơi để doanh nghiệp trong nước có thể mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh việc lo giữ và mở rộng thị trường sân nhà thì doanh nghiệp Việt Nam nên tìm cách “tấn công” sang những thị trường khác trong khối ASEAN và các nước khác trên thế giới.
Con đường này không dễ đi, nhưng tôi tin nếu doanh nghiệp trong nước có kế hoạch cụ thể, lâu dài sẽ làm được. Trong đó, có 2 điều doanh nghiệp Việt Nam phải luôn chú ý là đổi mới công nghệ để sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của từng thị trường và liên tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Xin trân trọng cảm ơn bà!