Chủ tịch Hội nghị COP26 sẽ thăm và làm việc tại Việt Nam trong tháng 2

Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Alok Sharma sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 2 năm 2022.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Sharma sẽ gặp và làm việc cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng để thảo luận về những bước tiến quan trọng mà Việt Nam đã đạt được tại Hội nghị COP26, bao gồm cả việc đồng ý thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow nhằm hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Ảnh internet.

Được biết, Hiệp ước Khí hậu Glasgow kêu gọi các quốc gia giảm dần điện than không sử dụng công nghệ giảm phát thải, loại bỏ dần việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, và yêu cầu các quốc gia, đến cuối năm nay, rà soát và đẩy mạnh các mục tiêu giảm phát thải đến năm 2030 cho phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris. Các cam kết của Việt Nam cũng đã đóng góp đáng kể vào thành công chung của Hội nghị COP26.

Trong các cuộc thảo luận, ông Sharma cũng sẽ đề cập đến những hình thức Vương quốc Anh có thể hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong lĩnh vực thích ứng và năng lượng thông qua Sáng kiến Xanh-Sạch, Quỹ Khí hậu Xanh và Hội đồng Chuyển dịch Năng lượng thuộc COP26, hiện đang tích cực điều chỉnh những hỗ trợ từ quốc tế để phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma khẳng định: “Chúng ta đã có những tiến triển vượt bậc tại Hội nghị COP26, bao gồm việc đạt được thỏa thuận Hiệp ước Khí hậu Glasgow để giữ mức nóng lên toàn cầu không quá 1,5 độ C. Vào năm 2022, các quốc gia cần thực hiện những cam kết họ đã đưa ra trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow. Trong năm nay, các quốc gia cũng cần củng cố và xem xét lại các mục tiêu giảm phát thải đến năm 2030”.

COP26 và hành động thiết thực của Việt Nam

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu thể hiện sự quyết tâm cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Bài phát biểu của Thủ tướng nhận được đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “…Về phần mình, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…"

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: Dương Giang-TTXVN).

Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Chiều 13/1 mới đây, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, cần sự tham gia của tất cả các quốc gia, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, cần lấy người dân là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện. Các mục tiêu, xu thế này cũng phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam theo hướng hài hòa, bền vững, toàn diện.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, tại Hội nghị COP26, dư luận quốc tế đánh giá cao cam kết của Việt Nam. Chúng ta tuyên bố với cộng đồng quốc tế, để thấy chúng ta có những thế mạnh hay điều kiện như nào để giành được thắng lợi mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt nhân dân ta cam kết để thực thiện.

Những thế mạnh đang được triển khai trên thực tế, như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Chúng ta nhìn thấy rõ nguy cơ của các quốc đảo có thể biến mất nếu biến đổi khí hậu làm nước biển dâng. Liên hệ với nước ta, các đồng bằng ven biển cũng đang chịu chung nguy cơ ấy. Rất may, Nhà nước đã có những hành động kịp thời, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đẩy lùi nguy cơ đó.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường nhấn mạnh, những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ là bước ngoặt quan trọng cho thực hiện lại cơ cấu lại nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải "Carbon thấp", "kinh tế xanh" và chuyển từ kinh tế tuyến tính sang "kinh tế tuần hoàn". Những cam kết này cũng góp phần thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, đó là phát triển nhanh, bền vững.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia Tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26 – Góc nhìn Kinh tế Môi trường" do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức.

Từ cam kết của Thủ tướng là cơ hội để Việt Nam có những đầu tư công nghệ sạch, thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế cao, khuyến khích đầu tư công nghệ tốt nhất "BAT", phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn như đã quy định trong Luật BVMT2020. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc chất lượng môi trường sẽ đượ

V.Chương

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chu-tich-hoi-nghi-cop26-se-tham-va-lam-viec-tai-viet-nam-trong-thang-2-64110.html