Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam: Một nền công nghiệp tự chủ, đầu tiên phải tự chủ về công nghệ

Phát triển kinh tế số không thể tách rời khỏi phát triển công nghiệp. Chúng ta có thể xây dựng một Chính phủ số, xã hội số, nhưng nếu không có một nền công nghiệp số, thì công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng khó có thể thành công…

Trong thực tế, các tập đoàn tư nhân Việt Nam như VinFast, Hòa Phát, FPT… đang đi đầu trong đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám cao.

Trong thực tế, các tập đoàn tư nhân Việt Nam như VinFast, Hòa Phát, FPT… đang đi đầu trong đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám cao.

Tại tọa đàm “Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển công nghiệp Việt Nam tự chủ - hùng cường” ngày 27/5/2025, TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam cho rằng một nền công nghiệp tự chủ, đầu tiên là phải tự chủ về công nghệ, không có công nghệ sẽ không có sản phẩm công nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa làm chủ được nhiều công nghệ lõi, công nghệ nguồn, mà chủ yếu ứng dụng những công nghệ đã phổ quát, vì thế chúng ta phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài rất nhiều. Nền công nghiệp của chúng ta hiện nay chủ yếu là gia công, lắp ráp và hỗ trợ. Kể cả công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng ở mức độ rất khiêm tốn.

Hơn nữa, chúng ta chưa tham gia được các chuỗi sản xuất toàn cầu. Chưa cung cấp được những phụ tùng linh kiện, đặc biệt là công nghệ cao cho nền công nghiệp mà chủ yếu phục vụ cho những sản phẩm của doanh nghiệp FDI và một số sản phẩm có trình độ công nghệ thấp.

KỲ VỌNG TỪ NHỮNG ĐỘT PHÁ NGHỊ QUYẾT 57

Một nền kinh tế có phát triển hay không được đánh giá bằng chỉ số phát triển công nghiệp. Bởi vì công nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Nhắc lại lời Tổng bí thư Tô Lâm, TS. Nguyễn Quân cho rằng chúng ta có "bộ tứ chính sách trụ cột". Đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển hoặc công nghệ đối với sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 57; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về đổi mới thể chế và mới nhất là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân. Những nghị quyết này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao nhằm đưa khoa học – công nghệ, công nghiệp và đổi mới sáng tạo trở thành động lực trung tâm cho sự phát triển đất nước.

Đáng chú ý, Nghị quyết 57 là bước đột phá về chính sách, là đòn bẩy cho khoa học công nghệ phát triển. Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp là thách thức lớn nhất, bởi nó đòi hỏi sự tích hợp toàn diện từ hệ thống vận hành, dữ liệu, đến tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam.

TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam.

“Nghị quyết 57 mang tính đột phá, chưa từng thấy trong tất cả những văn kiện trước đây của Đảng. Đó là mục tiêu đặt ra rất cao so với những điều chúng ta vẫn đang làm. Chúng ta đặt mục tiêu tới năm 2030, kinh tế số phải chiếm 30% GDP quốc gia. Đến năm 2045 phải là 50% GDP quốc gia. Đây là một con số chúng ta phải phấn đấu rất quyết liệt mới có thể làm được”, TS Quân nhấn mạnh.

Bởi ở thời điểm hiện nay, chúng ta mới chỉ có trên 18% GDP quốc gia là kinh tế số. Năm nay chúng ta phải cố gắng được trên 20% thì mới hy vọng năm 2030 chúng ta có 30%.

Điểm đột phá nữa của Nghị quyết là Đảng đặt vấn đề phải đầu tư rất lớn cho phát triển khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước, phải đạt tối thiểu 3% tổng ngân sách nhà nước hàng năm. Đầu tư của xã hội tới năm 2030 phải đạt trên 2% GDP quốc gia. Đây cũng là một con số thách thức. Hàn Quốc mất 40 năm và Trung Quốc mất 30 năm để đạt được con số 2% GDP quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ.

Thời điểm hiện nay chúng ta mới đầu tư được khoảng 0,5% GDP quốc gia. Chỉ còn 5 năm nữa làm sao chúng ta đầu tư được 2%? Theo ông Quân, chúng ta phải đi một quãng đường mà Trung Quốc và Hàn Quốc phải đi 30-40 năm trong vòng 5 năm.

Bên cạnh việc đầu tư của nhà nước, 3% tổng chi ngân sách nhà nước chỉ tương đương cỡ khoảng 0,4% GDP, chúng ta làm sao huy động được đầu tư của xã hội gấp 4 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Không phải chỉ có doanh nghiệp nhà nước mà toàn thể hệ thống doanh nghiệp Việt Nam.

“Tôi nghĩ về lâu dài, doanh nghiệp tư nhân mới là nguồn đầu tư lớn nhất cho phát triển khoa công nghệ thông qua các quỹ phát triển khoa công nghệ của doanh nghiệp. Đây là bài học kinh nghiệm không chỉ của các nước phương Tây, mà còn là bài học kinh nghiệm của các nước ở vùng Đông Á, là những con hổ, con rồng gần đây như là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan”, TS. Quân nói.

CẦN THAY ĐỔI HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH

Để huy động được nguồn đầu tư vô cùng lớn này, TS. Quân cho rằng đòi hỏi hệ thống cơ chế chính sách của chúng ta phải thay đổi mang tính đột phá. Hiện nay quỹ phát triển khoa công nghệ của doanh nghiệp được quy định: doanh nghiệp “được” trích tới 10% thu nhập tính thuế, tức lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho quỹ phát triển khoa công nghệ. Nhưng quy định này không có tính khả thi, yếu về mặt pháp lý vì quy định không bắt buộc các doanh nghiệp phải đầu tư cho khoa công nghệ.

Mặt khác, quy định lại giới hạn mức trần 10% thu nhập tính thuế. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, 97% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh thu hàng năm chỉ dao động trong khoảng từ vài tỷ tới 30 tỷ đồng. Lợi nhuận chỉ khoảng 10-15% doanh thu.

Như vậy, nếu chỉ trích 10% của lợi nhuận trước thuế thì rất nhiều doanh nghiệp chỉ trích được 30 triệu một năm. Những doanh nghiệp tương đối, có thể trích được vài trăm triệu một năm. Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam cho rằng số tiền này không đủ để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, không thể đủ để tạo ra sản phẩm mới cho doanh nghiệp.

Một điểm ràng buộc rất khó cho doanh nghiệp hiện nay, đó là nhà nước chỉ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần trích quỹ cho phát triển công nghệ, nhưng nhà nước lại quản lý toàn bộ 100% quỹ này như là ngân sách nhà nước. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp muốn chi cho khoa học công nghệ thì phải tuân thủ những quy định về ngân sách nhà nước… gây khó cho các nhà khoa học.

Ngoài ra, cơ chế quỹ cho phát triển khoa học công nghệ là vấn đề đã được đặt ra từ Nghị quyết 20 năm 2012 của Trung ương. Nhưng rất tiếc trong hơn 13 năm qua, cơ chế quỹ vẫn không được áp dụng, dù đây là thông lệ quốc tế, tất cả các quốc gia phát triển đều sử dụng cơ chế quỹ. Tức là các nhà khoa học khi có đề tài nghiên cứu lập tức được ký hợp đồng và được cấp tiền.

Song Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất, các nhà khoa học muốn nghiên cứu phải chờ 1-2 năm mới có tiền. Chúng ta làm khoa học giống như xây dựng cơ bản, muốn làm một cây cầu vào năm 2026 thì năm nay phải xây dựng kế hoạch. Có thiết kế, có dự toán sau đó mới được phê duyệt, năm sau mới bố trí kinh phí. Dự án nếu được phê duyệt nằm trong danh mục mới được cấp tiền.

“Khoa học công nghệ của chúng ta bị đối xử như thế đã 40 năm. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học cần nghiên cứu thì không có tiền, đến lúc có tiền thì người khác làm mất rồi hoặc vấn đề ấy không còn ý nghĩa nữa, hoặc thời giá thay đổi đến mức dự toán của năm trước không có dùng được nữa. kết quả là các đề tài đành phải đối phó và bỏ ngăn kéo”, TS Quân nêu thực tế.

Tuy nhiên, quy định này đã được cởi bỏ khi Nghị quyết 57 cho phép áp dụng cơ chế quỹ và cơ chế khoán chi trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Do đó, để giải các bài toán trên, TS. Quân cho rằng phải bắt đầu bằng cơ chế chính sách. Nếu chúng ta không có cơ chế chính sách, chúng ta không bao giờ thu hút được đầu tư. Không nguồn đầu tư, chúng ta không thể nào phát triển được các công nghệ nguồn, công nghệ lõi cho công nghiệp.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-tich-hoi-tu-dong-hoa-viet-nam-mot-nen-cong-nghiep-tu-chu-dau-tien-phai-tu-chu-ve-cong-nghe.htm