Chủ tịch huyện Phú Quốc nói về việc thành lập thành phố
Ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là tin vui cho chính quyền huyện đảo, nhân dân và giới đầu tư trên đảo Ngọc.
Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, Phú Quốc trở thành thành phố là mong muốn của người dân, chính quyền ở địa phương bấy lâu nay, đặc biệt là những nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư vào nơi này.
"Chúng tôi cũng rất tự hào khi Phú Quốc là huyện đảo đầu tiên trong 12 huyện đảo của cả nước trở thành thành phố. Ngoài việc thúc đẩy kinh kế, xã hội, du lịch, dịch vụ, việc Phú Quốc trở thành thành phố còn thể hiện chủ quyền quốc gia về biển đảo, đồng thời còn có sự cạnh tranh về du lịch, dịch vụ ở các nước trong khu vực...", ông Huỳnh Quang Hưng nói.
Trong những năm gần đây, huyện Phú Quốc được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương cũng như tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư về hạ tầng, kỹ thuật, điện nước, môi trường... Nhờ đó Phú Quốc có sự phát triển nhanh chóng đổi thay vượt bậc như ngày hôm nay.
Phú Quốc là một trong những điểm đến hấp dẫn cho những tour tuyến du lịch. Hiện các công ty lữ hành du lịch đang khai thác hiệu quả đối với Phú Quốc. Đặc thù của địa phương là nắng ấm quanh năm nên du khách lúc nào cũng có thể tắm biển. Bên cạnh đó, đến nơi này, du khách còn được thưởng thức hải sản đa dạng, phong phú như: Ghẹ, mực trứng, gỏi cá trích, ghẹ Hàm Ninh...
Hiện nay nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn ... đã xây các khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô trên đảo.
Ngoài ra, Phú Quốc có sân bay quốc tế. Trước dịch COVID-19, nhiều đường bay quốc tế từ các nước châu Âu, châu Á đã đến với Phú Quốc. Hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên các đường bay này tạm dừng. Còn đường bay nội địa đến Phú Quốc vẫn khá nhộn nhịp với các tuyến như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Vinh...
Phú Quốc hiện đang xây dựng cảng biển quốc tế. Nhiều hãng tàu cũng đầu tư tàu cao tốc để đưa khách từ đất liền ra đảo nhanh hơn.
+ Phú Quốc lên thành phố, chính quyền sẽ phải giải quyết những khó khăn gì, thưa ông?
- Ông Huỳnh Quang Hưng: Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn, còn rất nhiều việc phải làm khi Phú Quốc trở thành thành phố. Trong thời gian tới, phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm giao thông nội đảo, giao thông các tuyến du lịch, trung tâm, tuyến nhánh, đầu tư điện, nước, môi trường...
Một khó khăn khác là do ảnh hưởng COVID-19 nên Phú Quốc cũng như các địa phương khác giảm sâu tỷ lệ khách đến. Năm nay, lượng khách đến Phú Quốc là 1,5 triệu người, trong đó khách quốc tế khoảng 1 triệu người, đạt 50% kế hoạch.
Thêm một khó khăn nữa là vấn đề môi trường. Nhà máy xử lý rác thải ở địa phương, chưa đáp ứng được về công nghệ và yêu cầu. Do đó lượng rác thải hàng ngày phải thu gom và đưa về bãi rác tạm làm ảnh hưởng môi trường. Vấn đề này, chúng tôi cũng đã báo cáo tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế sớm chọn nhà đầu tư, lựa chọn công nghệ phù hợp, thích hợp để đầu tư.
Hiện nay hệ thống xử lý nước thải trong cộng đồng dân cư chưa được xử lý mà thải thẳng ra sông, ra biển làm ô nhiễm môi trường nước. Địa phương cũng đang đề nghị tỉnh tìm nguồn vốn vay của ngân hàng thế giới hỗ trợ, tài trợ hệ thống xử lí nước thải, đặc biệt là ở hai đô thị lớn Dương Đông và An Thới.
Một vấn đề nữa là nước sinh hoạt ở Phú Quốc hiện nay còn gặp khó khăn. Mặc dù hồ nước Dương Đông đang được nâng cấp, tuy nhiên công suất hiện nay chỉ đạt 21.000m3/ ngàn đêm, dự kiến đầu tư cho năm tới đạt 30.000m2 ngày đêm nhưng chỉ đáp ứng một phần của thị trấn Dương Đông, An Thới và khu vực Bãi Trường và một số nơi lân cận. Còn một số nơi khác như Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn, Hàm Ninh... chưa có hệ thống nước sinh hoạt và đang chờ vốn đầu tư hồ nước Cửa Cạn thì mới đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho Phú Quốc.
Vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp do Phú Quốc là điểm đến du lịch, tình hình sốt đất trong những năm qua, bao lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nhà nước quản lý ... diễn ra khá phức tạp. Dù là tập trung quản lý, kiểm tra, xử lý cưỡng chế tháo dỡ. Tình hình an ninh trật tự, liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện, bồi thường hỗ trợ tái định cư… trong thời gian tới cần phải triển khai và làm quyết liệt hơn.
- Đâu là những công việc ưu tiên khi Phú Quốc trở thành thành phố?
- Ông Huỳnh Quang Hưng: Theo tôi, ưu tiên trước mắt khi Phú Quốc được nâng lên thành phố là củng cố tổ chức lại bộ máy chính quyền đô thị, ưu tiên phát triển nguồn lực, chỉnh trang đô thị bao gồm vỉa hè, cây xây, chiếu sáng, công viên... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội phải được đảm bảo và ưu tiên, đặc biệt vấn đề xử lý rác thải và nước thải. Bên cạnh đó là thực hiện quy hoạch của Phú Quốc, trong đó tập trung quy hoạch khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch... Việc nâng Phú Quốc lên thành phố cũng sẽ có kế hoạch tăng cường quảng bá hình ảnh nhằm thu hút du khách đến đảo Ngọc ngày càng nhiều hơn.
Về cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng con người, chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh, Trung ương sẽ có cơ chế chính sách hợp lý, đặc thù cho Phú Quốc đặc biệt là nhân lực. Áp lực công việc của Phú Quốc rất lớn. Hòn đảo chúng tôi thu ngân sách chiếm gần 50% ngân sách tỉnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ lệ rất cao so với toàn tỉnh.
- Xin cảm ơn ông