Chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình: Không biết lập trình sẽ gần như không biết chữ
Chủ tịch NextTech Group Nguyễn Hòa Bình đưa ra một so sánh rất thực tế: Nhìn về tương lai, thế hệ trẻ em hiện nay nếu không biết lập trình sẽ gần như không biết chữ trong kỷ nguyên số và anh cũng đặt ra vấn đề cho trẻ tiếp xúc với lập trình từ sớm.
Đây có lẽ là nhận định khiến nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ về định hướng giáo dục và nghề nghiệp cho con em trong tương lai.
"Thế hệ của các con ngày hôm nay, nếu không biết lập trình thì gần như không biết chữ. Vì trong thời gian tới, máy móc sẽ thay thế con người, cả ở những công việc chân tay lẫn các công việc đòi hỏi chất xám. Do đó, nếu không làm chủ được máy móc, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi", anh Nguyễn Hòa Bình nhận định.
Trao đổi trong một sự kiện gần đây, chị Đào Lan Hương, Nhà sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Học viện công nghệ sáng tạo Teky, cũng cho biết thế hệ của các bậc phụ huynh đang có con ở độ phổ thông hiện nay đã có được cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ ba và chính thời cơ từ cuộc cách mạng này đã giúp họ có được những thành công hôm nay. Cũng như vậy, thế hệ học sinh hôm nay đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, đó là IoT – Internet kết nối vạn vật và Trí tuệ nhân tạo (AI).
Trước thực tế về nhà máy vận hành hoàn toàn bằng Robot của hãng Adidas tại Đức hay ngôi nhà được dựng lên bằng kỹ thuật in 3D trong 24h với chi phí 10.000 USD, chị Đào Lan Hương cho rằng, trong tương lai, các bạn nhỏ không chỉ cạnh tranh với nhau để có được việc làm mà còn cạnh tranh với Robot. Và đó là sức ép hiện hữu đối với lao động Việt Nam trong thời kỳ CMCN 4.0 ngày nay.
Điều này cũng được minh chứng qua việc nhiều bạn sinh viên ở các trường IT tại Mỹ là Công nghệ và khoa học máy tính, như ở Stanford môn hàng đầu hiện nay là khoa học máy tính trong khi cách đây 5 – 7 năm, các môn học liên quan đến kinh doanh chiếm vị trí hàng đầu.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Liên Hợp Quốc, 2/3 lượng lao động trên thế giới đối diện với cuộc khủng hoảng thiếu việc làm trong tương lai. Dự báo, đến năm 2020, có 7 triệu việc làm biến mất và có 2 triệu việc làm mới thay thế, nhưng đều đòi hỏi có kiến thức về khoa học máy tính và công nghệ; tốc độ tăng trưởng của các công việc liên quan đến kiến thức về STEAM 16,8% và cơ hội thu nhập của các nhân sự có kiến thức về STEAM ngày càng tăng lên.
Từ đó, STEAM được đánh giá là chìa khóa thành công của thế hệ tương lai, khi những nhân sự có kiến thức STEAM có cơ hội việc làm gấp 3 lần so với những nhân sự không có hiểu biết về lĩnh vực liên ngành này.
Thực tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu và xuất hiện ngày càng nhiều của robot tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) hay điện toán đám mây trong các hoạt động kinh doanh và cả trong cuộc sống hằng ngày. Cũng trong bối cảnh ấy, năng lực nắm bắt ngôn ngữ của máy tính đã trở thành trở thành yêu cầu đối với từng công dân toàn cầu. Và với sự tác động mạnh mẽ đó, các nhà Khoa học, Giáo dục đều có chung nhận định, việc học lập trình là giải pháp chuẩn bị từ sớm để tránh thất nghiệp hậu cách mạng công nghiệp 4.0.
Báo cáo do diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra, tính đến năm 2020, sự phát triển của robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo hóa sẽ lấy đi năm triệu việc làm của con người tại 15 quốc gia phát triển và mới nổi. Điều này khiến cho thị trường lao động toàn cầu, hơn bao giờ hết, cần đến nguồn nhân lực STEM (viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán), những người có khả năng thích nghi và phối hợp với hoàn cảnh thế giới mới dưới tác động ồ ạt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo báo cáo của cục Thống kê lao động Hoa Kỳ, số lượng việc làm liên quan đến nhóm ngành STEM dự báo sẽ tăng khoảng 13% tính từ năm 2012 đến năm 2022 trong khi mức tăng chung của tất cả các ngành trong giai đoạn này là 11%.