Chủ tịch nước: Cán bộ không sợ sai mới chết, nhưng không phải né tránh không làm
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cán bộ sợ sai thì đúng, sợ sai để làm kỹ hơn, nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn.
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng nay 24/10 với đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Sơn La, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề cập đến tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đó là khuyết điểm.
"Cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là khuyết điểm rồi. Anh là cán bộ, anh không thể né tránh trách nhiệm được", Chủ tịch nước khẳng định.
"Sợ sai là đúng, làm mà không sợ sai mới chết", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói. Tuy nhiên, vấn đề "sợ sai" không phải là né tránh, không làm việc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh cán bộ cần biết sợ sai để làm kĩ hơn, nghiên cứu đầy đủ hơn, có sự cân nhắc trước sau, tính toán lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định. Đó là phẩm chất cần thiết của cán bộ.
Đây là một trong những vấn đề được Chủ tịch nước và các đại biểu nhắc tới khi mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến khâu tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước chưa tốt, khoảng cách giữa nói và làm vẫn còn xa.
Chủ tịch nước cũng nêu nguyên nhân từ tư duy thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách. Lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong đó nên nhiều chuyện không chịu phân cấp, hoặc kể cả những vấn đề đã thấy rõ nhưng phân cấp rất khó khăn.
Việc phân cấp, phân quyền chưa có hiệu quả, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, trách nhiệm trong xây dựng pháp luật cũng chưa được làm rõ.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói: "Kết luận của Đảng có nêu vấn đề là phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình, để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình, để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới và khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời rõ ràng, minh bạch. Nhưng, điều này chúng ta chưa thực hiện được.
Có nhiều việc chúng ta thấy là quyền hạn không rõ mà cứ mỗi lần đi hỏi mất tối thiểu là ba tháng, trung bình là sáu tháng và thậm chí có vấn đề phải chờ chín tháng để nhận được một văn bản trả lời là làm theo quy định của pháp luật".
Thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Chủ tịch nước nhấn mạnh nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh quốc tế. Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, cần nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, trở ngại để tìm cách tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch nước đặt vấn đề bằng một số ví dụ như: Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau COVID-19 được kì vọng rất lớn, có sự thảo luận hào hứng, quyết tâm rất cao nhưng triển khai rất chậm. Trong vấn đề đầu tư công, tưởng như cái khó là không có tiền chi tiêu, nhưng thực tế có tiền không tiêu được.
"Hạn chế khó khăn của chúng ta là rất nhiều, rất lớn. Chúng ta có rất nhiều công việc cần giải quyết nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng. Có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ còn hạn chế", Chủ tịch nước nói.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/chu-tich-nuoc-can-bo-lam-ma-khong-so-sai-moi-chet-ar825460.html