Chủ tịch nước chủ trì họp về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Chiều 3/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Cùng dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, thành viên của Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các Ban Đảng, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Chính phủ và Quốc hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tháng 5 vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gồm 21 thành viên, trong đó có 9 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị có quyết định thành lập, Chủ tịch nước đã chủ trì nhiều buổi làm việc để có những nội dung phục vụ cho phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Trong đó, đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của 12 chuyên gia, nhà khoa học pháp lý hàng đầu khu vực phía Bắc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tư tưởng và quan điểm về xây dựng nhà Nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được khẳng định từ rất sớm và được ghi nhận trong nhiều văn bản quan trọng. Trong đó thể hiện rất rõ là quyền lực của nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và sự kiểm soát. Hiến pháp 2013 và các chiến lược phát triển kinh tế xã hội tiếp tục khẳng định xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.
Trong đó yêu cầu nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo các cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Cùng với đó là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định với quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đề nghị các thành viên dự họp cho ý kiến góp ý về Đề án để đảm bảo Đề án có tầm nhìn chiến lược đến năm 2045.
“Tinh thần là chúng ta có một đề án có tính chiến lược, thiết thực đối với người dân và cơ quan nhà nước, thực sự là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Thống nhất những quan điểm cơ bản, đột phá. Nhiều ý kiến đề nghị có những đột phá cần thiết để nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn tới, tầm nhìn 2045 đảm bảo thành công. Trong đó có vấn đề bảo vệ nhân dân, bảo vệ con người, xây dựng kỷ cương đất nước, phòng chống tham nhũng, hệ thống pháp luật đảm bảo hội nhập quốc tế. Đề án trình ra Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phải đảm bảo khoa học, thực tiễn, không sao chép. Chúng ta cũng phải quán triệt tinh thần là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở tư tưởng để không ngừng củng cố và phát triển”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu.
Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ động trong công tác chuẩn bị các nội dung cho phiên họp đầu tiên. 12 chuyên đề được lựa chọn trong Đề án thể hiện được sự bao quát về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Góp ý vào các vấn đề cụ thể, các thành viên cho rằng, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được thực hiện từ lâu, thể hiện ngay từ Hiến pháp 1946. Do đó, cần có sự đánh giá, tổng kết quá trình này qua từng giai đoạn, qua đó xác định những nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới với tầm nhìn 2030 và 2045. Trong đó có thể tập trung vào thời gian kể từ khi nước ta thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991, trọng tâm là từ khi thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Hiến pháp 2013.
Các đại biểu cũng bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc dù có nhiều chuyên đề lý luận chuyên sâu về nhà nước pháp quyền, nhưng cách tiếp cận của Đề án này phải đảm bảo có tính mới, có sự đột phá về thực hiện tầm nhìn đến năm 2045.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng thì cần có đánh giá tác động của hội nhập với việc xây dựng nhà nước pháp quyền của nước ta. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phải hài hòa với luật pháp quốc tế, đáp ứng được việc thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia và dân tộc. Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bởi đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong nhiều lĩnh vực xuất hiện thì pháp luật cũng phải theo kịp và điều chỉnh. Cùng với đó là làm rõ mối quan hệ và sự phân phấp, phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương; mô hình chính quyền đô thị đang xuất hiện; vấn đề phát triển kinh tế vùng…
Đánh giá cao các thành viên dự họp phát biểu các ý kiến tâm huyết, chất lượng, đóng góp vào Đề án cũng như kế hoạch xây dựng Đề án, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là Đề án khó, liên quan đến các nhánh quyền lực, nhưng Đề án này nhằm phục vụ nhân dân, tạo điều kiện cho đất nước phát triển theo tinh thần dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chứ không phải một đề án pháp trị. Do đó, quá trình xây dựng Đề án cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, hiến pháp, pháp luật của nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc xây dựng đề án phải có phương pháp tiếp cận khoa học, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế dựa trên cơ sở nghiên cứu có hệ thống về lý luận và thực tiễn đặt ra theo yêu cầu cụ thể tình hình trong nước và quốc tế.
Tán thành việc cần bổ sung một số nội dung mới vào Đề án, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án là phải đảm bảo chất lượng để Trung ương, Bộ chính trị cho ý kiến. Do đó, quá trình xây dựng Đề án phải đặt trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Cùng với đó là huy động được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, mọi tầng lớp nhân dân qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần sự đột phá về nội dung, nhưng phải có cơ sở vững chắc, thuyết phục được các cơ quan có thẩm quyền, tránh tư duy cục bộ, lợi ích bộ, ngành. Đặc biệt, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa là phải quán triệt lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng./.