Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương đề xuất, tham gia ý kiến về một số nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung quy định về cải cách tư pháp

Ngày 24-2, Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì phiên họp thứ nhất năm 2025 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để đánh giá kết quả công tác cải cách tư pháp thời gian qua; nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025, Chương trình công tác năm 2025 và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, cho ý kiến về một số nội dung liên quan tới rà soát, đánh giá pháp luật liên quan đến hình phạt tử hình và thi hành án tử hình.

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì Phiên họp thứ nhất năm 2025 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì Phiên họp thứ nhất năm 2025 Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương. Ảnh: TTXVN

Cùng dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo và Quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường làm Trưởng Ban.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định thời gian qua, nhất là trong năm 2024, Ban chỉ đạo cũng như các thành viên chủ động lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW, các nghị quyết, kết luận khác của Bộ Chính trị; đạt được nhiều kết quả tích cực.

Với các kết quả tích cực đó, Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng đã góp phần bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

Cơ bản thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 đã đề ra, Chủ tịch nước Lương Cường lưu ý Ban chỉ đạo, các thành viên cần đánh giá nhiệm vụ, rà soát bổ sung hoàn chỉnh một số quy định, phân công thành viên ban chỉ đạo, xây dựng chương trình làm việc năm 2025 bảo đảm chất lượng.

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, các nhiệm vụ, giải pháp hoạt động của Ban chỉ đạo cần xác định những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, bảo đảm tuân thủ các quy định của Đảng, phục vụ nhiệm vụ chung.

Chủ tịch nước nhấn mạnh 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đất nước; trong đó có kỷ niệm 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, cần có nhiều hoạt động tư pháp liên quan đến thực hiện chính sách nhân đạo, ân giảm, đặc xá.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi bổ sung pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian đề xuất điều chỉnh luật, Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương cần chủ trì phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để có thể triển khai hoạt động xem xét ân giảm, đặc xá nhân dịp 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập nước, nhằm thể hiện rõ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta.

Chủ tịch nước Lương Cường cũng đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, tham gia ý kiến về một số đề án, nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về tư pháp, cải cách tư pháp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp theo chủ trương của Đảng về đổi mới sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá các ý kiến cũng cơ bản thống nhất với giải pháp về hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật liên quan đến hình phạt tử hình. Chủ tịch nước lưu ý Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan để tập trung sớm hoàn thiện đề án trong quý I/2025, làm sao bảo đảm đề án tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, chỉnh sửa những vấn đề không phù hợp thực tiễn.

Theo báo cáo tại phiên họp, thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 "Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

Theo đó, Ban chỉ đạo đã cho ý kiến trước khi Quốc hội xem xét, thông qua 3 luật, 11 nghị quyết liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp; chỉ đạo các cơ quan rà soát, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về tư pháp.

Các cơ quan tư pháp Trung ương thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả, góp phần kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư, xây dựng trụ sở, kho vật chứng, trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, thi hành án và giám định tư pháp; chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-tich-nuoc-luong-cuong-chu-tri-hop-ban-chi-dao-cai-cach-tu-phap-trung-uong-19625022414490799.htm