Chủ tịch nước Lương Cường: Cơ quan tư pháp phải gần dân, sát dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân

Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội tại tổ vào chiều 8-5, Chủ tịch nước Lương Cường yêu cầu cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Chiều 8-5, tiếp tục Kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về các dự án luật này.

 Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên họp Tổ 2, chiều 8-5.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên họp Tổ 2, chiều 8-5.

Phát biểu tại phiên họp Tổ 2, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội phân tích kỹ để đóng góp, hoàn thiện các dự án luật, đạt được mục đích đề ra, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu hiện nay và sự phát triển sắp tới.

Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, mục tiêu của nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Đồng thời, phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp. Đặc biệt là mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án khi bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp xã cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Chủ tịch nước Lương Cường nhắc lại mục tiêu sửa luật phải đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu của việc cải cách tư pháp là phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân, khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Quang cảnh phiên họp Tổ 2.

Quang cảnh phiên họp Tổ 2.

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, mục tiêu của nền tư pháp nước ta không chỉ là xử lý người vi phạm, mà cái chính là để giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu luật, tự giác tuân thủ pháp luật.

Nhấn mạnh rằng, cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, Chủ tịch nước quán triệt, đây là việc khó nhưng phải làm. Các cơ quan Trung ương và các bộ, ngành đã thống nhất rất cao về chủ trương, nhân dân cũng rất đồng tình, ủng hộ, do đó các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, các cơ quan tư pháp phải làm sao để đáp ứng mục tiêu này.

Khẳng định đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, có những điều chưa thể lường hết, Chủ tịch nước nêu rõ, luật pháp không phải một lúc là sửa được, do vậy phải bảo đảm chắc chắn khi xây dựng luật, làm sao để tuổi thọ của luật dài hơn, tránh trường hợp vừa ban hành luật xong đã phải sửa đổi, bổ sung.

Nhắc tới hiện tượng có người không hiểu luật nên làm sai luật, cũng có người hiểu luật nhưng lại “lách luật”, Chủ tịch nước yêu cầu công tác tư pháp phải góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về pháp luật, trước hết là trong lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân.

Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thấu đáo về các vấn đề, đi đến thống nhất, đồng thuận, cùng tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống, nhất là vấn đề liên quan tới công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, vừa bảo đảm yêu cầu các cơ quan tư pháp được sắp xếp tinh, gọn, đồng thời hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chu-tich-nuoc-luong-cuong-co-quan-tu-phap-phai-gan-dan-sat-dan-bao-ve-quyen-loi-hop-phap-cua-nhan-dan-827518