Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: TP. HCM cần lấy lại vị thế, hình ảnh trong mọi phương diện
t dịch thứ 4 bùng phát, gây thiệt hại nặng nề, TP. HCM cần củng cố công tác làm việc từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số, chính quyền cần nhanh nhạy hơn, làm việc liên tục hơn. Cần lấy lại vị thế, hình ảnh của TP. HCM trong mọi phương diện.
Sáng 16/11/2021, tại huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 10 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn để thông báo kết quả Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV bằng hình thức trực tuyến.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Khôi phục và phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội
Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, năm 2021 Việt Nam đã vấp phải một đại dịch lớn với hậu quả nặng nề, trên 23.000 người chết cùng nhiều hậu quả lớn về kinh tế, xã hội.
"Một lần nữa, tôi xin chia sẻ nỗi mất mát lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM suốt thời gian dài vừa qua", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mở đầu.
Theo Chủ tịch nước, việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài đã làm nhiều trụ cột bị đứt gãy, gây sang chấn tâm lý, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi phải giải quyết, không chỉ trong năm nay mà có thể phải tới năm 2023 mới khôi phục tình trạng bình thường.
Trong đại dịch, cấp ủy, chính quyền các cấp TP. HCM, nhất là huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn đã làm tốt công tác hỗ trợ cho người dân, không để ai bị "đói cơm, lạt muối, đứt bữa" suốt thời gian qua. Đặc biệt, huyện Củ Chi không để ai chết vì Covid-19.
Chủ tịch nước nhận định hậu quả của đại dịch vẫn còn dai dẳng, nhất là chăm lo cho các trẻ mồ côi, người gia neo đơn để họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tiếp xúc cử tri.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP. HCM tiếp tục thực hiện mục tiêu kép; chia thành nhiều mục tiêu nhỏ, từng giai đoạn ở cấp ủy, chính quyền để thực thi hiệu quả. Đặc biệt, cấp quận, huyện là đơn vị thực thi chính sách quan trọng nên cần có kế hoạch chi tiết. Tinh thần là tiếp tục kiểm soát dịch bệnh theo hướng hạn chế ca nặng và tử vong, song song với phục hồi kinh tế.
Việc TP. HCM tiêm vaccine cho người lao động trở lại thành phố, cùng kế hoạch là xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân... là điều đáng biểu dương.
Các doanh nghiệp, cấp ủy chính quyền các địa phương cần chủ động, hiệu quả hơn nữa trong giải quyết công việc thuộc trách nhiệm của mình. "Tinh thần là khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba để vượt qua", Chủ tịch nước nói.
TP. HCM cần sớm khôi phục các huyết mạch kinh tế chủ yếu để không ách tắc; khôi phục và phát triển khu vực doanh nghiệp; đảm bảo an sinh xã hội. TP cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để học sinh quay lại trường học.
Chủ động hơn để phòng chống đợt dịch thứ 5 có thể xảy ra
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP. HCM cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống đợt dịch thứ 5 có thể xảy ra.
"Chúng ta không đặt vấn đề sớm thì chúng ta lại bị nặng. Cần tìm ra phương thức phù hợp để thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước tiếp nhận kiến nghị của các cử tri. Ảnh: Thái Sơn
Theo Chủ tịch nước, đợt dịch thứ 4, TP. HCM đã bị thiệt hại quá nặng nề. Do đó, thành phố cần củng cố công tác làm việc từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số, cấp ủy, chính quyền cần nhanh nhạy hơn, làm việc liên tục hơn. Các địa phương có quy mô lớn, lên tới trăm nghìn dân, thì y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, y tế gia đình, trạm xã lưu động cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo, không để xảy ra tình trạng xấu, chết người như đợt dịch thứ 4.
"Vấn đề quan trọng là cần lấy lại vị thế, hình ảnh của TP. HCM trong mọi phương diện", Chủ tịch nước đặt vấn đề.
Chủ tịch nước đề nghị TP. HCM hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo, trong đó chú ý đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách chính sách sâu rộng, hiệu quả, kịp thời.
TP. HCM cần tiếp tục phát huy nguồn lực trong xã hội, chú trọng hợp tác công tư, tháo gỡ nút thắt; tiếp tục triển khai mạnh mẽ hiệu quả chương trình tái cấu trúc kinh tế; đồng thời có chuyên đề khắc phục các tồn tại, bất cập trong hệ thống an sinh xã hội để hoạt động hiệu quả hơn.