Chủ tịch nước: Phải giữ gìn được văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đang hội nhập kinh tế thị trường, chúng ta phải giữ gìn được văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh, hình ảnh đất nước con người Việt Nam.

Sáng nay 23/10, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Điện ảnh có làm được nhiệm vụ "Văn hóa soi đường quốc dân đi"?

Nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của ngành công nghiệp điện ảnh đối với phát triển đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn TP.HCM) nêu dẫn chứng cụ thể, nhiều quốc gia đi từ công nghiệp điện ảnh để quảng bá hình ảnh, xây dựng đất nước, tiêu biểu nhất là Hàn Quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ thảo luận.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ thảo luận.

"Văn hóa soi đường quốc dân đi, điện ảnh chúng ta có làm được vai trò nhiệm vụ đó không?", Chủ tịch nước nhấn mạnh, có nhiều yếu tố tổ chức thực hiện nhưng có yếu tố khách quan là luật pháp tạo ra hành lang pháp lý để điện ảnh phát triển.

Việt Nam đang hội nhập kinh tế thị trường, Chủ tịch nước lưu ý phải giữ gìn được được văn hóa dân tộc khi phát triển điện ảnh. "Chúng ta phải giữ gìn được văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh, hình ảnh đất nước con người Việt Nam", Chủ tịch nước khẳng định nếu quên đi mục tiêu này sẽ bỏ qua những nhiệm vụ quan trọng của ngành điện ảnh Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, luật này phải tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh tốt phục vụ nhân dân và giữ gìn Tổ quốc bền vững. Đây là yêu cầu bao quát mà Bộ VHTTDL cần tiếp thu để xử lý khi hoàn thiện luật này.

Về vấn đề chính sách, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải đặt vấn đề mọi tổ chức, cá nhân được làm phim trên khung pháp lý Nhà nước quy định để khuyến khích việc xã hội hóa. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên đặt hàng, dành kinh phí cho các tác phẩm lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước con người Việt Nam.

"Những vấn đề thuộc về lịch sử, tư liệu, các cuộc kháng chiến của dân tộc, giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam, Nhà nước nên có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ, có chính sách khen thưởng…đối với các loại hình này để khuyến khích. Nếu không chúng ta sẽ mất dần, mất mòn rồi không có nền văn hóa tượng trưng", Chủ tịch nước lưu ý.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần nói rõ các hành vi nào bị nghiêm cấm, vi phạm đạo đức, có xu hướng xóa nhòa lịch sử, hành vi tiêu cực trong tư tưởng…trong quá trình xây dựng luật.

Chủ tịch nước cũng đề cập đến cơ chế về phát hành phim, cơ sở vật chất của điện ảnh, vấn đề quảng bá... Tất cả đều cần chính sách để tạo điều kiện cho điện ảnh đưa hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế.

Ngân sách nhà nước chi cho điện ảnh không lớn

Trước khi các ĐBQH tại tổ số 1 thảo luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) đã cung cấp một số thông tin liên quan đến lĩnh vực điện ảnh. Theo Bộ trưởng, trong vấn đề sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước có đề ra phương án đấu thầu hay đặt hàng. Bộ trưởng cho biết, số liệu thống kê từ 2013 đến nay, ngân sách nhà nước cấp cho ngành điện ảnh 657 tỷ đồng để thực hiện các bộ phim theo nhiệm vụ, trung bình mỗi năm khoảng 70 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thông tin tại tổ thảo luận.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng thông tin tại tổ thảo luận.

Trong 70 tỷ đồng này, Bộ phải chỉ đạo thực hiện 20 bộ phim về nhiệm vụ chính trị, 20 bộ phim phục vụ nhu cầu cho trẻ em, chỉ 1 đến 2 bộ phim truyện…tính ra một bộ phim chi phí chỉ khoảng 2-2,5 tỷ, đây là số tiền không lớn.

Thực tiễn, khi đấu thầu không có đơn vị nào tham gia dự thầu. Sau đó, thực hiện Quyết định, không có ai đấu thầu mới được đặt hàng, chỉ định thầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao phải làm ngay.

"Đưa ra những số liệu này để các đại biểu hiểu được các đặc thù khó khăn của ngành điện ảnh, trên cơ sở đó có những góp ý sát, đúng cho dự thảo luật này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tiền kiểm, hậu kiểm không quan trọng bằng tự kiểm

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, Bộ VHTTDL đã rất nỗ lực để xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh trên cơ sở tổng kết từ quá trình thực hiện chính sách và điều kiện về nguồn lực để đưa ra được chính sách phù hợp với thực tiễn.

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Góp ý vào dự thảo Luật về vấn đề thẩm định phim, đại biểu bày tỏ lo ngại, nếu số lượng phim nhiều lên thì Hội đồng thẩm định và phân loại phim có đủ sức để đảm đương được. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống tiêu chí cơ bản, đây là mới vấn đề quan trọng. Bởi, tiền kiểm, hậu kiểm không quan trọng bằng tự kiểm. Khi có các tiêu chí, những nhà làm phim đã xác lập được các ranh giới để biết làm gì phù hợp.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nghĩa cho rằng, khi có vi phạm mà chúng ta chỉ quy định đơn vị quản lý mạng gỡ phim đó xuống thì chưa đủ mà đơn vị phổ biến phải có trách nhiệm đưa xuống, phải quản lý từ gốc bằng chế tài cụ thể.

Về Quỹ hỗ trợ phát điện ảnh, ĐB Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, điện ảnh muốn phát triển cần có những cơ chế tài chính. Quỹ này trong luật cũ quy định nhưng không có cơ chế để duy trì bằng nguồn nào, nếu từ ngân sách nhà nước thì chỉ cấp một lần, còn xã hội hóa thì phải có phương án nhận được sự đồng thuận.

"Chúng ta cần đánh giá tác động để những nhà kinh doanh phim hiểu được quỹ này chính là đầu tư cho tương lai của điện ảnh Việt Nam, trong đó họ cũng là người được hưởng lợi" - ĐB Nghĩa nêu quan điểm.

Có tầm nhìn, hoạch định chính sách từ thực tiễn thì điện ảnh mới "cất cánh" được

Cho ý kiến về dự thảo luật này, ĐBQH Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, các loại phim trên môi trường mạng, dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phát triển mạnh, hàng tháng có hàng ngàn bộ phim được phát hành, trong đó có những bộ phim doanh thu lớn. Từ đó đặt ra vấn đề quản lý, kiểm tra đối với loại hình này như thế nào, dự thảo cần quan tâm.

ĐBQH Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

ĐBQH Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

"Việc tiền kiểm khó khả thi vì số lượng lớn, vì vậy, ngoài các giải pháp pháp lý thì cũng cần kết hợp với giải pháp kỹ thuật công nghệ thì mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý" - ĐB Lê Anh Tuấn nêu quan điểm.

Theo quan điểm của ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, có 4 yếu tố tạo nên điện ảnh đó là: phải có đạo diễn tốt, kịch bản tốt, diễn viên tốt, kịch trường tốt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có đạo diễn tầm cỡ châu Á chưa nói đến quốc tế. Đội ngũ diễn viên ăn khách chỉ do kỹ năng, chuyên nghiệp và xuất chúng thì chưa. Về vấn đề kịch trường, chúng ta vẫn chưa quên bài học cách đây hơn chục năm chúng ta đầu tư hơn 10 tỷ để làm phim "Đường đến Thăng Long". Từ đó, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, phải có tầm nhìn, hoạch định chính sách dựa trên các phương diện đó thì nền điện ảnh mới "cất cánh" được. Đặc biệt, Luật phải dự báo được các vấn đề để có tầm nhìn xa hơn./.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chu-tich-nuoc-phai-giu-gin-duoc-van-hoa-dan-toc-thong-qua-dien-anh-20211023133552729.htm