Chủ tịch nước phát biểu tại Diễn đàn 'Vành đai và Con đường' lần thứ 3
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá Vành đai và Con đường đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia.
Chiều ngày 18/10, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba (BRF 3) tiếp tục diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc với ba phiên họp cấp cao về kinh tế số, phát triển xanh và kết nối khu vực cùng sáu diễn đàn nhánh cấp bộ trưởng về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, giao lưu học giả, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương và hợp tác biển.
Việt Nam đề xuất ba trụ cột phát triển kinh tế số
Tại các cuộc thảo luận, các nhà Lãnh đạo và các đại biểu chia sẻ đánh giá về những thách thức mà kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt, nhất là nguy cơ suy thoái kinh tế, tác động ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh.
Với mong muốn tạo động lực mới cho tăng trưởng, đã có rất nhiều chia sẻ về kinh nghiệm về xây dựng kinh tế số, xanh hóa các ngành công nghiệp truyền thống, chuyển đổi năng lượng sạch, cải thiện hạ tầng giao thông liên quốc gia, cũng như các giải pháp sáng tạo để góp phần giải quyết những thách thức chung của khu vực và thế giới.
Các đại biểu nhất trí hợp tác thời gian tới cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn kết hơn nữa các nền kinh tế cũng như đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng và mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, các hoạt động kinh tế và đời sống, cần chú trọng việc xử lý hiệu quả các vấn đề an ninh, an toàn mạng, và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu về trí thông minh nhân tạo.
Các nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế để thu hút nguồn lực, hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp và hưởng lợi được từ các xu thế phát triển mới.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá với quyết tâm cao, đầu tư lớn, nhiều chương trình, dự án, hành động cụ thể, Vành đai và Con đường đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu, là khuôn khổ hợp tác mở bao trùm, chất lượng cao, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia, và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị và sự gắn kết giữa nhân dân các nước.
Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh và đã tích cực tham gia nhiều cơ chế, sáng kiến toàn cầu quan trọng do Trung Quốc khởi xướng.
Trao đổi về kinh tế số - động lực mới của tăng trưởng, Chủ tịch nước chia sẻ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi những đột phá công nghệ mới, hiện đại.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế số mở ra tiềm năng và không gian phát triển mới to lớn và nhanh chóng tạo sự liên kết giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia sẽ tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế số toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế số cũng tiềm ẩn những rủi ro về an ninh, an sinh xã hội nếu không được định hướng và quản lý phù hợp.
Hợp tác Vành đai và Con đường đã kịp thời nắm bắt xu thế này và đóng góp quan trọng vào sự thay đổi mạnh mẽ của các quốc gia dọc Con đường tơ lụa kỹ thuật số, từ kết cấu hạ tầng số hiện đại, các thành phố thông minh, đến hoạt động thương mại sôi động trên không gian số.
Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển, trên không gian số. Theo đó, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trên tinh thần đó, Việt Nam xác định: Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số và dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng cao; năm 2022 đóng góp 14,26% vào GDP, và đang hướng đến mục tiêu 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, Chủ tịch nước đề xuất hợp tác về kinh tế số dựa trên ba trụ cột sau.
Thứ nhất là hợp tác về thể chế số để xây dựng các quy định phù hợp, bảo đảm sự thông suốt, an toàn, bảo mật dữ liệu; tạo môi trường kinh doanh thân thiện; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, cần tính đến trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, bảo đảm cân bằng lợi ích, bình đẳng cho các bên.
Thứ hai là hợp tác về hạ tầng số để bảo đảm và nâng cao năng lực tham gia của các nước vào nền kinh tế số toàn cầu. Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế, các doanh nghiệp hợp tác đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Thứ ba là hợp tác nhân lực số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới, hiện đại. Chủ tịch nước nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế số cần thúc đẩy các dự án chuyển giao tri thức và công nghệ.
Chủ tịch nước tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Trong cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres. Chủ tịch nước chúc mừng Tổng Thư ký Guterres nhân kỉ niệm ngày thành lập Liên hợp quốc 24/10 và chúc Tổng Thư ký trên cương vị của mình tiếp tục thúc đẩy hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững, đem lại hòa bình, hợp tác và thịnh vượng cho người dân trên toàn thế giới.
Trong không khí chân thành, cởi mở, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng lần đầu tiên gặp nhau. Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò và đóng góp của Tổng Thư ký và Liên hợp quốc cho hòa bình, ổn định, an ninh quốc tế, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ và tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung đó.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi Liên hợp quốc là tổ chức hàng đầu vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và người bạn tin cậy, thủy chung, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc triển khai nhiều hoạt động hợp tác như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm công bằng xã hội, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Chủ tịch nước đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có Chương trình Nghị sự chung của chúng ta (OCA) cũng như trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đồng thời chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Tổng Thư ký cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ tuyệt vời của Việt Nam dành cho Liên hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực hoạt động ưu tiên, đặc biệt là gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực.
Tổng Thư ký nhấn mạnh Việt Nam là một hình mẫu tốt cho nhiều nước đang phát triển và là đối tác quan trọng của Liên hợp quốc, đồng thời bày tỏ trông đợt đối với đóng góp ngày càng lớn của Việt Nam vào quản trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký António Guterres hoàn toàn nhất trí, chia sẻ các quan điểm của Việt Nam về đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, nâng cao hiệu quả của các thể chế quốc tế.
Tổng Thư ký chúc Chính phủ và nhân dân Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu về hòa bình, thịnh vượng và tiếp tục có đóng góp, thể hiện vai trò trách nhiệm đối với thế giới và Liên hợp quốc. Tổng thư ký khẳng định sẽ hết sức hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện các cam kết của mình về phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.
Chia sẻ về tình hình khu vực, hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết phải đề cao thượng tôn pháp luật, phát huy vai trò của các cơ chế đối thoại, hợp tác giữa các tổ chức khu vực và Liên hợp quốc, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.
Bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” lần thứ 3, chiều ngày 18/10/2023 cũng đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Vành đai và Con đường với sự tham dự của 1200 đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia, trong đó có 60 đại diện của các công ty thuộc nhóm 500 công ty hàng đầu thế giới.