Chủ tịch nước: Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là mối 'lương duyên trời định'

Phát biểu trong hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, Chủ tịch nước cho rằng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là 'hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả, chân thành, với tiềm năng và triển vọng rộng mở.'

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Năm 2023 dần khép lại với nhiều sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Với việc nâng cấp mối quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một chương mới sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; in một dấu son đậm trong lịch sử “lương duyên trời định” của dân tộc Việt Nam với những người dân Xứ xở hoa Anh đào.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Có thể nói, chưa bao giờ việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước lại nhận được sự đồng thuận rộng rãi như vậy của Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước.

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều hết sức coi trọng chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Theo đặc phái viên của TTXVN, trong phát biểu tại họp báo sau hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã rất thân tình khi nói về tình cảm của ông với đất nước và con người Việt Nam.

“Tôi có một mối duyên nợ rất sâu sắc đối với Việt Nam.” Ông chia sẻ, từ khi tham gia Liên minh Nghị sỹ Nhật-Việt, hầu như hàng năm đều đến Việt Nam.

Thủ tướng Nhật Bản còn khẳng định, “nguồn nhân lực Việt Nam là sự hiện diện không thể thiếu được trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản” và coi Việt Nam là một “cứ điểm quan trọng trong hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng của Nhật Bản.”

Chọn Việt Nam là một trong những nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao, bà Kamikawa Yoko cũng dành những tình cảm rất tốt đẹp cho mối quan hệ hai nước và cho rằng, chính những hợp tác chắc chắn và bền bỉ, được duy trì thường xuyên đã kết nối nhân dân hai nước như những người bạn thực sự của nhau mỗi lúc gặp khó khăn như thiên tai, dịch bệnh …

Phát biểu trong hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là “hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả, chân thành, với tiềm năng và triển vọng hết sức rộng mở.”

Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới - thành công quan trọng nhất của chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio cùng nhìn nhận những thành tựu trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản 50 năm qua là nền tảng vững chắc để hai dân tộc tự tin cùng nhau đi tới tương lai.

Việc nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới.

Khái quát thành công của chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá đây là chuyến thăm “ý nghĩa quan trọng, thành quả toàn diện, nội dung thực chất, chương trình phong phú.”

Việc nâng cấp quan hệ phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, đáp ứng mong muốn, nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.

Nhà vua Nhật Bản Naruhito và Hoàng hậu đã hội kiến và chủ trì chiêu đãi thân mật Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại Hoàng cung.

Theo một cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới hết năm 2023 nhưng đây cũng là lần tiếp khách nước ngoài cuối cùng trong năm 2023 của Nhà vua Nhật Bản.

Điều này cho thấy sự coi trọng đặc biệt của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng còn được trân trọng mời phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản - cơ quan lập pháp lâu đời nhất ở châu Á, nơi đề ra nhiều quyết sách lập pháp quan trọng cho tiến trình phát triển của Nhật Bản trong 135 năm qua.

Đây là một tình cảm đặc biệt mà Quốc hội Nhật Bản dành cho cá nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và cũng là dành cho nhân dân Việt Nam, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào thời điểm rất có ý nghĩa - kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Và trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã dành những tình cảm hết sức chân thành, sâu lắng đối với đất nước và con người xứ sở hoa anh đào.

Nhắc lại những chuyến đi đến Nhật Bản từ thời tuổi trẻ trong chương trình giao lưu, gặp gỡ thanh niên hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ: “Những chuyến thăm ấy, được gặp gỡ các bạn trẻ Nhật Bản, được sống cùng gia đình Nhật Bản đã để lại trong tôi những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về con người Nhật Bản mến khách và thân tình; đất nước Nhật Bản đẹp như những bông hoa anh đào, tâm hồn Nhật Bản thanh bình, sâu lắng như những vần thơ Haiku, tinh thần Nhật Bản kiên cường, cao thượng như những chiến binh Samurai, ý chí Nhật Bản kiên định, vững vàng như núi Phú Sĩ.”

“Nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là: “Lương duyên trời định,” Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bày tỏ những cảm nhận sâu sắc hơn về vị thế ngày càng cao của đất nước “Mặt trời mọc,” Chủ tịch nước khẳng định những thành tựu trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản 50 năm qua là nền tảng vững chắc để hai dân tộc tự tin cùng nhau đi tới tương lai.

Khuôn khổ quan hệ mới cho phép hai nước nâng tầm và mở rộng không gian hợp tác, không chỉ trong quan hệ song phương mà còn đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu… đúng với tinh thần Việt-Nhật đồng hành, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới.

Đánh giá cao bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa cho rằng hai dân tộc Nhật Bản và Việt Nam chia sẻ nhiều điểm đồng về lịch sử, văn hóa, chia sẻ nhiều giá trị, phẩm chất tốt đẹp, “giống như hoa sen của Việt Nam và hoa anh đào của Nhật Bản, luôn biết vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, vươn mình tỏa hương.”

“Từ trái tim đến trái tim”

Đúng như Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio từng nhiều lần chia sẻ, sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không chỉ diễn ra trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, mà còn nằm ở sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người, bắt nguồn từ mối liên kết lâu dài về mặt lịch sử và văn hóa giữa hai quốc gia.

Giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa cũng là trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, thể hiện qua nhiều hoạt động mà tinh thần xuyên suốt là kết nối “từ trái tim đến trái tim.”

Tại Thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp lãnh đạo các Đảng và nhóm các nghị sỹ, người bạn Nhật Bản thân thiết với Việt Nam; trong đó có nhiều người là bạn bè cũ của Chủ tịch nước.

Cuộc gặp gỡ ôn lại những kỷ niệm chung của mỗi người trên các cương vị khác nhau, thân tình nhưng cũng giàu động lực với đồng quan điểm tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu lãnh đạo trẻ, nghị sỹ trẻ và thế hệ trẻ hai nước.

Rất nhiều cuộc tiếp khách trong chuyến thăm, nhưng sự kiện chân thành, giản dị và ấn tượng, sâu lắng nhất phải kể đến cuộc gặp mặt thân mật, cùng ăn sáng của Chủ tịch nước và Phu nhân với các gia đình homestay từ nhiều tỉnh, thành phố cách Tokyo hàng trăm, hàng ngàn km cùng tề tựu.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân gặp gỡ đại diện gia đình homestay Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân gặp gỡ đại diện gia đình homestay Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Gần 30 năm trước, các gia đình này đã đón tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến lưu trú, giao lưu trong các hoạt động hợp tác thanh niên hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Cuộc hội ngộ sau hơn 3 thập kỷ ngập tràn tiếng cười, bất ngờ và xúc động với nhiều kỷ niệm xưa được tái hiện.

Thời gian đó, các gia đình homestay đã tận tình giới thiệu cho “anh thanh niên Việt Nam” ngày ấy về văn hóa truyền thống và cuộc sống đời thường ở vùng nông thôn Nhật Bản qua những công việc thường ngày như nấu ăn, làm vườn, làm ruộng, múa hát dân gian, sinh hoạt cộng đồng….

Trao đổi với phóng viên, nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho rằng nguyên tắc cơ bản của việc hợp tác giữa hai quốc gia là sự tin tưởng lẫn nhau của nhân dân hai nước. Do đó, việc làm sâu sắc hơn niềm tin của nhân dân giữa hai nước là rất quan trọng.

Âm nhạc kết nối tình hữu nghị

Một hoạt động kết nối văn hóa đặc sắc được tổ chức chào mừng chuyến thăm là Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước với sự tham gia của Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương.

Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng hai nước, trong đó có Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn, một nghệ sỹ Piano Việt Nam rất được mến mộ tại xứ sở Hoa anh đào.

Trong sự hòa hợp của âm nhạc, Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn đã đệm Piano, nghệ sỹ Omiya Rintaro của Nhật Bản với violon, kết hợp với giọng ca tài năng Miura Daichi, cùng thể hiện tác phẩm “Âm hưởng lời ca” do Thái Thượng hoàng Akihito viết lời và Hoàng Thái Hậu Michiko phổ nhạc.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm hội kiến Nhà vua Naruhito cùng Hoàng hậu Nhật Bản Masako. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm hội kiến Nhà vua Naruhito cùng Hoàng hậu Nhật Bản Masako. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cho biết, từ những năm 80, gần như hàng năm đều biểu diễn ở Nhật Bản, Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn chia sẻ Nhật Bản là đất nước rất coi trọng văn hóa nghệ thuật; trong khi đó, Việt Nam cũng có nền nghệ thuật phong phú và cởi mở. Âm nhạc là công cụ kết nối giữa nhân dân hai nước.

Cũng coi âm nhạc là phương tiện gắn kết, Nhạc trưởng tài danh Honna Tetsuji bày tỏ: Điều tuyệt vời là giàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã kết hợp với dàn nhạc giao hưởng NHK cùng biểu diễn các tác phẩm cả hai nước; cùng chia sẻ cảm xúc tại một buổi lễ vô cùng ý nghĩa. Điều đó cho thấy âm nhạc giúp rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và Nhật Bản rất nhiều.

Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết từ cột mốc nâng cấp quan hệ song phương hai nước lên cấp cao nhất qua chuyến thăm của Chủ tịch nước, hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước thời gian tới sẽ hết sức thuận lợi bởi đặc thù Nhật Bản là quốc gia mà văn hóa có tính biểu trưng rất cao.

Thành công rất tốt đẹp trên mọi phương diện. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đưa người dân Việt Nam-Nhật Bản gần nhau hơn, yêu mến nhau hơn và đồng cảm với nhau nhiều hơn.

Vượt qua khoảng cách về địa lý, người dân hai nước phát huy sự tương đồng, gắn kết về văn hóa, lịch sử, con người và “truyền thống giao lưu bền chặt” hàng nghìn năm. Đó cũng chính là “chất keo gắn kết tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chu-tich-nuoc-quan-he-viet-nam-nhat-ban-la-moi-luong-duyen-troi-dinh-post911051.vnp