Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho hơn 3.700 phạm nhân
Sáng 30/9, lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công an, TAND Tối cao và Bộ Ngoại giao đồng chủ trì họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước.
Theo Quyết định đặc xá số 957/QĐ-CTN, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2024. Quyết định này có hiệu lực từ 1/10.
Phát biểu tại buổi họp báo về các công tác xét đặc xá năm 2024, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 của Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018 và các văn bản pháp luật liên quan.
Đặc xá năm 2024 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân…
Quá trình xét, quyết định đặc xá cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện công tác đặc xá, ngày 30/7/2024, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 759 thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá, trong đó, Bộ Công an là cơ quan thường trực của Hội đồng. Sau đó, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn 88 để triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024; Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 246 về việc triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước đối với người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù…
Như vậy, khi xem xét đặc xá đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, đó là đặc xá phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của pháp luật để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá.
Bên cạnh đó, đặc xá năm 2024 quyết định tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam và những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện theo quy định tại Quyết định 758 của Chủ tịch nước, tuy nhiên, các hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhận chức vụ, quản chế, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác vẫn phải chấp hành đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Phạm Thanh Hà, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi phạm tội là "nghiêm trị" kết hợp với "khoan hồng". Chính vì vậy, không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, cảnh tỉnh, ngăn ngừa họ không phạm tội mới.
Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và tính ưu việt của Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tốt.
Ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, tất cả những phạm nhân được đặc xá lần này đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và đã bị TAND tuyên phạt theo các chế tài được quy định tại Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, nay những phạm nhân này có đủ điều kiện được xem xét, đặc xá.
Vì vậy, đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam đều được xét đặc xá - ông Phạm Thanh Hà khẳng định.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về trường hợp ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng như có phạm nhân nào trong vụ án "chuyến bay giải cứu" được đặc xá lần này không.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, trong đợt đặc xá lần này có 678 phạm nhân, phạm tội về trật tự quản lý về kinh tế, chức vụ. Ông Chu Ngọc Anh và Phạm Xuân Thăng không có trong danh sách đặc xá. Các phạm nhân còn lại trong vụ án "chuyến bay giải cứu" đều được xem xét, thực hiện việc đặc xá theo quy định pháp luật.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm cũng cho biết, trong đợt đặc xá này có 561 người dân tộc thiểu số được đặc xá. Có 64 người tội phạm giết người, 205 người phạm tội liên quan đến ma túy, 91 người phạm tội hiếp dâm, 156 người phạm tội cướp tài sản; 403 người phạm tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế và 275 người phạm các tội liên quan đến chức vụ, quyền hạn.
Thông tin thêm về số phạm nhân nước ngoài được đặc xá, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, theo quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, lần này có 20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài (19 nam, 1 nữ) được đặc xá gồm nhiều tội danh như giết người, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, tổ chức cho người ở lại Việt Nam phi pháp…
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, sau khi các trường hợp này được đặc xá, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm đến cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan đại diện lãnh sự ở các nước để đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận người đặc xá, triển khai thủ tục đưa những người này trở về nước hoặc đến nơi cư trú an toàn, phù hợp.
Theo vtv.vn