Chủ tịch nước thăm Thụy Sỹ: Cơ hội tuyệt vời để tăng cường hợp tác năng động
Trước thềm chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber đã chia sẻ kỳ vọng của mình về những cơ hội sẽ mở ra giữa hai nước qua chuyến thăm.
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ từ ngày 25-29/11. Nhân dịp này, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber đã chia sẻ về sự kiện quan trọng này trong một năm đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (10/1971-10/2021), 30 năm hợp tác phát triển Thụy Sỹ-Việt Nam.
Thưa Đại sứ, xin ông đánh giá ý nghĩa chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Thụy Sỹ đến Việt Nam? Đại sứ kỳ vọng gì vào chuyến thăm lần này?
Sau chuyến thăm hồi tháng 8 của Phó Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis tới Hà Nội, chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Berne là một cơ hội tuyệt vời khác trong một năm đặc biệt để thắt chặt hơn nữa quan hệ ngoại giao và tăng cường hợp tác năng động giữa hai nước chúng ta.
Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin rất mong đợi được tiếp đón Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kể từ sau cuộc gặp bên lề Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 tại New York (Mỹ) vào tháng 9.
Thụy Sỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/10/1971. Thụy Sỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của ASEAN và thứ 19 của Việt Nam với khoảng 2,2 tỷ USD đầu tư trực tiếp. Hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam và giúp tạo ra 20.000 việc làm ở các lĩnh vực khác nhau. Kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm 2020, giảm 11% so với năm trước đó do ảnh hưởng bởi đại dịch.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra đúng thời điểm để hai nước thể hiện ý chí chính trị và quan tâm thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, và Liechtenstein).
Một FTA cho toàn khối kết hợp với các FTA mà Việt Nam ký kết riêng lẻ với các nước EFTA gần đây, rõ ràng sẽ nâng cao cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế song phương, mang lại cơ hội xuất khẩu mới cho doanh nghiệp hai nước và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt khi một khuôn khổ được thể chế hóa và các biện pháp bảo vệ pháp lý hiệu quả cho các nhà đầu tư là những yếu tố cân nhắc quyết định đối với bất kỳ nhà đầu tư nào quan tâm đến việc đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh hai nước đang hướng tới sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19 và đứng trước nhiều thách thức chung như biến đổi khí hậu, đâu là những lĩnh vực mà Việt Nam và Thụy Sỹ cần chú trọng để thúc đẩy hợp tác?
Hiện nay, sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Thụy Sỹ và Việt Nam.
Thụy Sỹ rất hoan nghênh những cam kết gần đây của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc đưa các đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài vào các chủ trương chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, thành lập tổ công tác chuyên trách để giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, bảo vệ pháp lý quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ chuyến thăm sắp tới, Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao (Business Summit) sẽ được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin. Đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo, quan chức, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp và công ty hai nước trao đổi với nhau, góp phần cải thiện khuôn khổ cho hợp tác kinh tế thương mại song phương ngày càng vững chắc.
Các lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn khác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ còn có giáo dục, nghiên cứu, khoa học và đổi mới sáng tạo. Hiện tại, Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sỹ (SNSF) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) đã hỗ trợ 10 nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ và Việt Nam thực hiện các dự án chung trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow (Anh) gần đây, vấn đề biến đổi khí hậu cũng sẽ được đề cao trong các chương trình nghị sự. Trong lĩnh vực này, hợp tác phát triển của Thụy Sỹ với Việt Nam giúp cả hai nước đến gần hơn với mục tiêu không phát thải carbon ròng cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Đơn cử như chính phủ Thụy Sỹ đang tài trợ cho một dự án thích ứng toàn diện nhằm giảm thiểu rủi ro ngập lụt tại khu vực lõi đô thị của Cần Thơ.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc Thụy Sỹ ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) cho nhiệm kỳ 2023-2024 cũng mở ra khả năng hợp tác mới cho quan hệ song phương theo hướng tăng cường chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế. Thụy Sỹ mong muốn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thành công khi Việt Nam là thành viên của UNSC nhiệm kỳ 2020-2021.
Tối qua (24/11), phòng Hội thảo mới của Học viện Ngoại giao mang tên Geneva Conference Room đã được khánh thành. Đại sứ hãy cho biết ý nghĩa của sự kiện này, đặc biệt khi Thụy Sỹ và Việt Nam là hai nước có nhiều nỗ lực đóng góp cho hòa bình thế giới?
Đúng vậy, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), và tôi vừa qua đã cùng nhau khánh thành Phòng Hội thảo Geneva tại tòa nhà Giảng đường mới của DAV.
Phòng Hội thảo Geneva do Thụy Sỹ thiết kế nội thất minh họa phong cảnh tự nhiên của hồ Geneva với những ngọn núi tuyệt đẹp. Phòng Hội thảo này chủ yếu được sử dụng cho các hội nghị học thuật, bao gồm cả Hội nghị Khoa học quốc tế về Biển Đông thường niên của DAV, cũng như các cuộc họp cấp cao, bao gồm các cuộc thảo luận của các quan chức và học giả nước ngoài.
Phòng Hội thảo này có một ý nghĩa biểu tượng tuyệt vời và mang đến một sự gắn kết đầy cảm hứng giữa hai thành phố Geneva và Hà Nội.
Thụy Sỹ đang ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024 với khẩu hiệu “Điểm Cộng cho Hòa bình”. Xem thêm tại đây: www.aplusforpeace.ch
Là nơi đặt trụ sở của Liên hợp quốc tại châu Âu từ năm 1945, Geneva chính là trung tâm hoạt động của hệ thống đa phương. Được mệnh danh là Thủ đô của Hòa bình, Geneva đóng vai trò là nơi đối thoại, bao gồm cả các hội nghị và tiến trình hòa bình.
Tinh thần cởi mở của Geneva cho phép những người có quan điểm và ý kiến khác biệt tranh luận một cách sâu rộng và tạo nên các cuộc thảo luận mang tính xây dựng. Tôi hy vọng rằng ý nghĩa này sẽ góp phần thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính xây dựng tại Hà Nội.
Phòng Hội thảo này đánh dấu thêm một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa Thụy Sỹ-Việt Nam và là sự khởi sắc tốt đẹp cho tương lai.
Xin cảm ơn Đại sứ!