Chủ tịch nước tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 2022
Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 tại Bangkok (Thái Lan) trong các ngày 17 và 18/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, gồm: Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Chile, Australia, Pháp, Canada và Peru.
*Tại cuộc gặp Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines, chia sẻ tin cậy chính trị cao, hợp tác kinh tế - thương mại đạt kết quả rất tích cực mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Hai bên nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tiếp tục đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và hiệu quả thiết thực.
Tổng thống Marcos khẳng định Philippines luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam xuất phát từ thực tiễn Việt Nam vừa là láng giềng, vừa là anh em, vừa là đối tác. Ông đánh giá cao tình cảm của các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, đã luôn nhiệt tình hỗ trợ Philippines đảm bảo an ninh lương thực. Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế gần đây, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các vấn đề an ninh chung, bao gồm Biển Đông; đóng góp vào các nỗ lực xây dựng môi trường hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai bên khẳng định sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên triển khai tích cực các thỏa thuận của lãnh đạo hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác mới như kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, năng lượng sạch, an ninh mạng...; nghiên cứu xây dựng “Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh” giữa hai nước; coi đây là điểm nhấn hợp tác thời gian tới. Chủ tịch nước nhấn mạnh thành công của các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là hình mẫu về đầu tư hiệu quả và cùng có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và muốn kinh doanh tại Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam để trao đổi các biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.
Thủ tướng Singapore đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng của Singapore ở khu vực; nhất trí với các đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo, hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc, trong đó Việt Nam coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và Hàn Quốc tiếp tục coi Việt Nam là đối tác trọng tâm của Hàn Quốc trong khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và giao lưu nhân dân; đề nghị hai bên hỗ trợ, tạo điều kiện và phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam để tăng cường quan hệ song phương.
Thủ tướng Han Duck-soo khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; sẵn sàng hợp tác chặt chẽ để Việt Nam hoàn thành vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc nhiệm kỳ 2022-2024.
Tại cuộc gặp Tổng thống Chile Gabriel Boric Font, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam quyết tâm đưa quan hệ Việt Nam - Chile đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, đặc biệt khi Chile và Việt Nam là đối tác hàng đầu của nhau tại hai khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Gabriel Boric Font sớm thăm Việt Nam và đề nghị hai nước phối hợp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương (PA) cũng như hợp tác tại các diễn đa phương khác.
Tổng thống Gabriel Boric Font trân trọng nhắc đến mối quan hệ thân tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Salvador Allende, coi đây là di sản chung rất quý báu, là nền tảng phát triển quan hệ giữa hai nước. Tổng thống nêu một số đề xuất nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương trong khuôn khổ hiệp định thương mại song phương cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trước đó, vào tối 17/11, tại cuộc gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu Chính phủ Công đảng Australia đã đạt được sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang vừa qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao việc Chính phủ Australia vừa quyết định tăng viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam thêm 18%, thành 92,8 triệu AUD (tương đương 61,9 triệu) trong tài khóa 2022-2023, cho rằng đây là sự hỗ trợ quý giá và kịp thời của Australia dành cho Việt Nam, bên cạnh việc đã cung cấp cho Việt Nam hơn 26,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cảm ơn và mong muốn Chính phủ Australia tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt sinh sống tại đây ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Australia và thúc đẩy tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng Anthony Albanese chúc mừng Việt Nam đã ứng cử thành công vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, đồng thời bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm tham gia hội đồng nhiệm kỳ trước, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả và thực chất cho cơ chế này.
Thủ tướng Anthony Albanese khẳng định Australia rất coi trọng việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; sẽ phối hợp với Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023 với nhiều dấu mốc quan trọng, thúc đẩy hợp tác giáo dục và phát huy vai trò cộng đồng người Việt đang có vị thế ngày càng gia tăng tại Australia.
*Tại cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp trên nền tảng gắn kết đặc biệt từ lịch sử, văn hóa, con người đến quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế... và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên thúc đẩy các tiếp xúc, trao đổi, chuyến thăm cấp cao cũng như các cơ chế hợp tác song phương; tích cực trao đổi thúc đẩy các vấn đề hợp tác biển, thương mại gạo, an ninh năng lượng, quốc phòng, hỗ trợ nhau khắc phục thiên tai, dịch bệnh.
Về phần mình, Tổng thống Pháp khẳng định coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, ASEAN; đồng thời mong muốn sang năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược, hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là năng lượng xanh, nông nghiệp và quốc phòng, cũng như hợp tác hiệu quả hơn nữa trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM), Cộng đồng Pháp ngữ.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng chuyển lời mời Tổng thống Pháp sớm thăm Việt Nam.
*Tại cuộc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng với quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Canada ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023, hai bên nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm các cấp. Bên cạnh hợp tác về kinh tế - thương mại - đầu tư và giáo dục - đào tạo, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới; xử lý các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng...
Nhân dịp này, Thủ tướng Justin Trudeau trân trọng mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada trong năm 2023.
*Gặp Phó Tổng thống Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Quốc hội Peru vừa chính thức phê chuẩn CPTPP, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để nâng cao kim ngạch thương mại song phương trong những năm tới.
Phó Tổng thống Peru mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Peru và dự Hội nghị Cấp cao APEC năm 2024, cho biết Peru đặc biệt đánh giá cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam góp phần tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế - xã hội tại Peru; mong muốn hai nước tận dụng hiệu quả các cơ chế như APEC, CPTPP, ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.