Chủ tịch nước Tô Lâm: Cần quy định cái gì cần công chứng, công chứng là phải chuẩn

Chiều 17-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội vẫn còn một số băn khoăn.

 Các đại biểu thảo luận tổ, chiều 17-6. Ảnh: PHAN THẢO

Các đại biểu thảo luận tổ, chiều 17-6. Ảnh: PHAN THẢO

Đáng chú ý, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo luật xác định công chứng là việc công chứng viên (CCV) chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp CCV chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo luật quy định người muốn bổ nhiệm CCV phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo).

Theo đó, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng; bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

 Chủ tịch nước Tô Lâm dự thảo luận tổ, chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Tô Lâm dự thảo luận tổ, chiều 17-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Thẩm tra, về công chứng bản dịch, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo luật để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch, tránh việc trong thực tế nhiều CCV từ chối thực hiện công chứng bản dịch do không đủ trình độ về ngoại ngữ để chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản này, tổ chức hành nghề công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch, gây ra sự “quá tải” về chứng nhận bản dịch tại Phòng Tư pháp một số địa phương khi thay vì đến tổ chức hành nghề công chứng, người dân lựa chọn chứng thực chữ ký người dịch.

Quy định này hạn chế rủi ro và trách nhiệm của CCV đối với việc công chứng bản dịch, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thảo luận tại tổ, việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực khiến nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) băn khoăn.

 ĐB Huỳnh Thanh Phương (Cần Thơ). Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Huỳnh Thanh Phương (Cần Thơ). Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Huỳnh Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, CCV chỉ chỉ xác thực chữ ký người dịch, vậy ai là người xác thực, chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch? “Chúng ta tách ra để CCV không chịu rủi ro, vậy ai chịu rủi ro? Đề nghị công chứng phải xác thực cả nội dung bản dịch, tính chính xác của bản dịch. Nếu CCV không đủ trình độ ngoại ngữ thì họ phải có cộng tác viên”, ĐB Huỳnh Thanh Phương nêu.

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cũng cho rằng, CCV phải chịu trách nhiệm với việc chứng thực bản dịch, cả về nội dung, chứ không chỉ là chứng thực chữ ký người dịch.

 ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh: PHAN THẢO

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại cho rằng, thay đổi của dự thảo là phù hợp. Thực tiễn trên thế giới cũng như vậy. CCV không thể biết hết các loại ngoại ngữ để xác thực bản dịch, mà nên để người dân được chọn chỗ dịch uy tín, CCV chỉ xác thực chữ ký của người dịch.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, mục đích ra đời luật này phải là phục vụ nền quản lý hành chính và tư pháp, do đó dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đang phục vụ hành nghề công chứng, còn để nói Luật Công chứng thì chưa toàn diện lắm. Trước đây, chúng ta không có công chứng vì tất cả giao dịch đều rất đơn giản.

Sau khi phát triển lên, nhu cầu quản lý hành chính nhà nước và phát triển của tư pháp mới sinh ra công chứng, từ đơn giản là sao y bản chính, chứng thực văn bản, thẩm quyền ban đầu của UBND. Sau đó, xã hội phát triển mới hình thành nên nghề công chứng, giao cho ngành tư pháp nhưng có tính xã hội hóa lớn.

Chủ tịch nước cho rằng, luật này trước hết phải phục vụ cho người dân, nhưng để phục vụ người dân thì phải phục vụ cho nền hành chính quản lý, quản trị xã hội là chính, và liên quan pháp lý, chứng cứ tư pháp, độ chuẩn xác rất lớn. “Ban hành luật ra để hoạt động công chứng chuẩn, nhưng đọc đi đọc lại, lại thấy không chuẩn, nếu tùy tiện thì rất khó khăn. Nếu gọi là luật hành nghề công chứng thì có vẻ phù hợp hơn”, Chủ tịch nước băn khoăn.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân. Căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người dân, chỉ cần một số định danh đó là giao dịch được trên môi trường điện tử. Có thể khám sức khỏe, xác nhận thuế, bảo hiểm y tế... tích hợp các giấy tờ vào, có thể xác định pháp lý, đủ quyền giao dịch trong xã hội. Do đó, công chứng giảm đi rất nhiều.

Đồng chí Tô Lâm cho rằng, luật phải quy định, trong những trường hợp nào phải công chứng, chứ không phải một cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc người ta phải công chứng. Có những cái, người dân thấy không cần công chứng. Tạo thuận lợi cho người dân là quan trọng, mới là điều cần phải cải tiến.

Do đó, cần rà soát lại tổng thể hơn để luật đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi hơn. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải vào cuộc, quy định cái nào là công chứng và công chứng là phải chuẩn, để cải cách hành chính.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chu-tich-nuoc-to-lam-can-quy-dinh-cai-gi-can-cong-chung-cong-chung-la-phai-chuan-post745043.html