Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào, Campuchia

Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia

Chủ tịch nước Tô Lâm

Chủ tịch nước Tô Lâm

Ngày 8-7, Bộ Ngoại giao ra thông cáo cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và Quốc vương Campuchia Preah Bat Samdech Preah Boromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia từ ngày 11 đến ngày 13-7-2024.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.

Quan hệ Việt Nam - Lào phát triển tốt đẹp, gắn bó, tin cậy

Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5-9-1962, quan hệ chính trị, ngoại giao hiện nay tiếp tục phát triển tốt đẹp, gắn bó, tin cậy. Năm 2024, hai bên đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào (7-1) và Cuộc gặp thường niên hai Đảng năm 2024 (26-2); tích cực tổ chức các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cấp.

Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường cả về chất và lượng. Hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận, kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh; phối hợp quản lý xuất nhập cảnh, vấn đề di cư, cư trú trái phép; triệt phá, trấn áp các loại tội phạm xuyên biên giới, nhất là tội phạm ma túy và buôn bán người. Hiện đang khẩn trương, hoàn thiện để ký Hiệp định về dẫn độ giữa hai nước trong tháng 7-2024.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục có chuyển biến tích cực. Hai bên đã ký kết "Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào", Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào; triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân hai nước. Việt Nam hiện có 241 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký hơn 5,5 tỉ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ (sau Trung Quốc, Thái Lan). Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào 5 tháng đầu năm 2024 đạt 779,6 triệu USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).

Hợp tác giáo dục, đào tạo và văn hóa tiếp tục được quan tâm, tích cực thực hiện Đề án hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030; Nghị định thư về hợp tác đào tạo Việt Nam - Lào giai đoạn 2022-2027; Kế hoạch hợp tác văn hóa - nghệ thuật và du lịch giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ Lào xây dựng Chiến lược phát triển thể thao Lào giai đoạn 2023-2030. Hiện có khoảng 14.050 lưu học sinh Lào đang học tập tại hơn 170 cơ sở giáo dục Việt Nam.

Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, ngày càng đi vào cụ thể, chiều sâu, toàn diện trên mọi lĩnh vực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên Hiệp Quốc và các cơ chế tiểu vùng. Việt Nam đang tích cực ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công các vai trò quốc tế quan trọng trong năm 2024 như Chủ tịch ASEAN 2024, Chủ tịch AIPA 45.

Việt Nam - Campuchia "16 chữ vàng"

Việt Nam - Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24-6-1967.

Năm 2005, lãnh đạo Cấp cao hai nước đã thống nhất đề ra phương châm mới trong phát triển quan hệ song phương là "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài".

Hiện quan hệ chính trị Việt Nam - Campuchia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức, kể cả khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước được triển khai ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu. Các hoạt động ngoại giao nhân dân, nhất là tại các tỉnh biên giới, diễn ra sôi nổi và rộng khắp.

Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng giữa hai nước được tăng cường. Hai bên luôn khẳng định không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia.

Việt Nam và Campuchia có đường biên giới đất liền dài 1.258 km. Ta có 10 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) giáp biên giới 9 tỉnh của Campuchia (Rattanakiri, Mondulkiri, Kratie, Svay Rieng, Tbaung Khmum, Prey Veng, Kandal, Takeo, Kampot). Trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền. Năm 2019, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia. Hai bên đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% chưa hoàn thành phân giới cắm mốc để tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Chính phủ hai nước cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.

Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam Campuchia đạt 10,57 tỉ USD. Năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 8,6 tỉ USD. Bước sang năm 2024, thương mại hai nước có dấu hiệu khởi sắc trở lại, đạt khoảng 3,9 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỉ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.

Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục - đào tạo, giao thông - vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông... được quan tâm, đẩy mạnh. Hàng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều. Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia; các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt Nam...

Hai nước phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là Liên Hiệp Quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cơ chế CLV, CLMV, ACMECS,...

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-tich-nuoc-to-lam-tham-lao-campuchia-196240708174038541.htm