Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản: 'Trái mọng' trong 'vườn ươm' Việt-Nhật
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân (27-30/11) là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1973-2023), đồng thời mở ra những chương mới, đưa quan hệ hai nước lên tầm phát triển cao hơn.
Có câu nói rằng: “Tình bạn là khoảnh khắc đóa hoa nở, và thời gian là trái chín đơm bông”. 50 năm vẹn tròn đã qua của quan hệ Việt - Nhật có lẽ đã đủ để “tình bạn” ấy từ nở hoa, đơm trái, chín muồi, đưa quan hệ hai nước bước vào giai đoạn tốt đẹp nhất, rực rỡ như những tia sáng đầu tiên của bình minh xứ sở Phù Tang.
Với mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, năm 2023 hẳn không thể định lượng chỉ bằng 12 tháng mà bằng những dòng chảy sự kiện không ngưng nghỉ trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ để kỷ niệm tròn 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Mối lương duyên nhiệm màu
Tại buổi tiếp Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương thăm chính thức Việt Nam tháng Chín vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay và đầy đủ cơ sở để nâng lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Hành trình tốt đẹp đó cũng không tự nhiên mà có. Nhìn lại, bất cứ mỗi lương duyên nào dù là sắp đặt hay tình cờ, nếu đủ chân thành sẽ vượt qua hết thảy những trở ngại và khó khăn để kéo dài vô tận! Mối lương duyên “tình cờ” Việt - Nhật là câu chuyện như vậy.
Vào thế kỷ VIII, tại xứ Côn Lôn (nay là Côn Đảo), Khiển Đường Sứ Heguri Hironari lưu lạc và tình cờ đặt chân lên hòn đảo ngoài khơi Nam Bộ, được cho là một trong những người Nhật Bản đầu tiên tới Việt Nam. Thương cảng Faifo - Hội An, khi đó là cảng nằm trên “con đường tơ lụa biển” nối liền Đông – Tây trở thành điểm đến quen thuộc và quan trọng của những thương gia Nhật Bản. Những thương thuyền Nhật Bản tấp nập đến từ Nhật Bản đóng vai trò quan trọng, để lại di sản đặc biệt trong việc hình thành lên một khu phố giao thương sầm uất bậc nhất Việt Nam lúc đó.
Cứ như vậy, trải qua thử thách của dòng chảy thời gian, mối lương duyên đặc biệt gắn bó hai dân tộc Việt Nam-Nhật Bản không ngừng phát triển, vươn tới tương lai.
50 năm chưa phải là một giai đoạn dài trong lịch sử quan hệ giao lưu có bề dày gần 1.300 năm giữa hai dân tộc nhưng đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc và toàn diện của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản. Suốt năm thập kỷ qua, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản ngày càng đậm sâu, từ bạn bè, đối tác, rồi thành đối tác rất quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung, đồng điệu nhận thức về phát triển bền vững.
Hành trình đó được phản ánh rõ nét qua mỗi bước hai nước nâng cấp quan hệ: từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài (năm 2002) lên Hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á (năm 2006), rồi Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á (năm 2009) và gần đây nhất là Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á (năm 2014).
Hiện nay, đứng trước dòng “vạn biến” của tình hình thế giới và khu vực, châu Á-Thái Bình Dương vừa được xem là động lực tăng trưởng toàn cầu xong cũng phải đối mặt với muôn vàn rủi ro, thách thức, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản vẫn không “chệch đường ray”, quan hệ song phương được hai bên coi trọng, một lòng thúc đẩy toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Điều đó một lần nữa cho thấy tầm mức của mối quan hệ gắn kết Việt Nam-Nhật Bản.
Người đồng hành chân thành
Có thể tự tin nói rằng, trong mỗi bước đường vươn mình phát triển của Việt Nam hàng chục năm qua luôn có “người bạn đồng hành” là Nhật Bản, thời gian chính là thước đo chuẩn xác cho sự chân thành, tin cậy mà hai nước dành cho nhau và chẳng phải đặt câu hỏi khi có nhiều cụm từ “lần đầu tiên” hay “hiếm có” xuất hiện trong hành trình quan hệ hai nước.
Nhật Bản là nước G7 đầu tiên nối lại viện trợ phát triển (ODA) và trong mấy chục năm qua luôn là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, giúp xây dựng những công trình hạ tầng trọng điểm, chẳng hiếm gặp những cây cầu, con đường mang tên hữu nghị Nhật - Việt trên khắp dải đất hình chữ S.
Nhật Bản là nước G7 đầu tiên mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Nhật (Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2009) và cũng là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Người bạn ấy là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, đồng thời là nước G7 đầu tiên mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (2016 và 2022), góp phần làm tăng vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiếm có quốc gia nào có tới gần 100 cặp quan hệ địa phương với Việt Nam như Nhật Bản. Cộng đồng người Việt tại Nhật Bản với hơn 500.000 người đã phát triển thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản.
Đặc biệt, trong mỗi người Việt Nam hay Nhật Bản luôn sẵn sàng tinh thần sẻ chia, đùm bọc. Điều đó được minh chứng qua hình ảnh những dòng người Việt Nam xếp hàng dài trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh để quyên góp ủng hộ người dân Nhật Bản vượt qua những khó khăn sau trận động đất, sóng thần năm 2011; người dân Việt Nam sẵn sàng sẻ chia những chiếc khẩu trang vốn quý giá và khan hiếm với người dân Nhật Bản giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành…
Trên bình diện đa phương, hai nước tích cực phối hợp trong vai trò cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP... Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, Liên hợp quốc... hai nước luôn hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Cùng tiến tới tương lai
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5/2022, Thủ tướng Kishida Fumio đã nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước là vô hạn. Hay như Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản tháng Năm vừa qua: “Chúng ta đã hợp tác, chia sẻ, quyết tâm, cố gắng và thành công, thì tiếp tục thúc đẩy hợp tác, chia sẻ, quyết tâm, cố gắng và thành công hơn nữa trong điều kiện mới”. Rõ ràng, với nền tảng quý giá của hiện tại, hai nước vẫn đồng lòng viết tiếp những câu chuyện thành công với những chương hợp tác mới.
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị, ngoại giao thông qua tăng cường tiếp xúc, trao đổi, giao lưu các cấp, hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế đúng với vai trò là trụ cột chính trong quan hệ hai nước.
Qua các trao đổi, Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện...; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh. Đây là những ngành, lĩnh vực mà Nhật Bản có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng.
Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Trở lại suy ngẫm về tình bạn, một người bạn tốt cũng giống như cỏ bốn lá, khó kiếm tìm và may mắn khi tìm được. Có lẽ, từ một mối lương duyên tình cờ, Việt Nam-Nhật Bản cũng đã và đang có một hình trình may mắn như vậy. Cùng với sự chân thành, tin cậy và nỗ lực vun đắp, tình bạn Việt-Nhật đã tạo ra những trái chín trĩu cành, làm vững tâm những người vun trồng về những “vụ mùa bội thu”.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio: “Năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa. Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Võ Văn Thưởng diễn ra vào thời điểm quan trọng như vậy sẽ mang ý nghĩa lịch sử và trở thành một trong những dấu ấn nổi bật nhất của năm kỷ niệm. Không chỉ nhìn lại những bước tiến trong quan hệ Nhật Bản-Việt Nam từ trước đến nay, chuyến thăm này còn truyền đi thông điệp rằng sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam không chỉ là mối quan hệ song phương, mà đang trở thành mối quan hệ có thể cùng đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới”.