Chủ tịch nước: Xử lý nghiêm tham nhũng lớn và cả tham nhũng vặt
Chiều 27.4, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Chiều 27.4, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP.Đà Nẵng tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự và trả lời một số ý kiến cử tri.
Xử lý nghiêm tham nhũng lớn và cả tham nhũng vặt
Sau khi nghe các cử tri nêu các ý kiến, kiến nghị về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, thời gian qua và sắp tới Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì và xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai".
"Chúng ta xử lý tham nhũng lớn nhưng cũng xử lý tham nhũng vặt. Trước đây, người dân cứ nói đi đăng kiểm mất vài trăm nghìn, đó là tham nhũng vặt nhưng tích góp lại thành số tiền lớn, gây nhức nhối thì phải xử lý", Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là xử lý cả với cán bộ đương chức và cả về hưu, không có chuyện hạ cánh an toàn. Việc xử lý rất nghiêm khắc nhưng cũng mang tính nhân văn.
"Vừa qua, dự kỷ niệm 60 năm ngày thành lập VCCI, tôi cũng nói với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp cả nước, rằng những việc xử lý sai phạm trong thời gian vừa qua là chẳng đặng đừng" nhưng bắt buộc phải làm để cho môi trường kinh doanh lành mạnh hơn, để giá trị làm ra phải thuộc về người làm ra nó, thuộc về xã hội, đất nước; để loại bỏ ra khỏi bộ máy cơ quan quản lý nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất", Chủ tịch nước cho hay.
Bên cạnh đó chúng ta cũng không ngừng hoàn thiện khung pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, kịp thời thay thế cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, kết quả làm việc thấp, không chờ hết nhiệm kỳ, thời gian bổ nhiệm...
"Trách nhiệm bao giờ cũng phải gắn liền với chức vụ, chức vụ càng cao thì tránh nhiệm càng lớn, đòi hỏi cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta không lo thiếu cán bộ, thiếu người tài, vì Đảng, Nhà nước luôn chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, có giải pháp thu hút người hiền tài vào bộ máy Nhà nước để luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao", Chủ tịch nước khẳng định.
Phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết
Nhiều cử tri thắc mắc về nội dung trong Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch nước cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật này dựa trên tổng kết quá trình thực thi chính sách thời gian qua. Hiện nay, 70% các vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người hay đơn lẻ liên quan đến đất đai. Trung ương cũng đã đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, trong đó tỷ lệ cán bộ vi phạm liên quan đất đai khá lớn.
Theo Chủ tịch nước, việc sửa đổi Luật Đất đai phải hướng đến các vấn đề như sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, kiên quyết khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất bất hợp lý, lãng phí nguồn lực đất đai. Đồng thời phải hoàn thiện quy trình, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Nghị quyết của Đảng đã xác định, đối với những dự án liên quan tới người dân chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đây là tư tưởng chỉ đạo, là quyết tâm của Đảng trong thực hiện chính sách đất đai. Chúng ta phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đối với những dự án cấp bách, quan trọng đối với đất nước, địa phương, thì phải được sự đồng thuận của người dân.