Chủ tịch nước yêu cầu các địa phương không 'ngăn sông cấm chợ'

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh các tỉnh/TP, quận/huyện, xã/phường cần hiểu rõ khái niệm 'pháo đài', không có chuyện 'ngăn sông cấm chợ'.

"Pháo đài chống dịch không phải là biệt lập để ngăn sông, cấm chợ, ngăn lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động. Nếu không làm tốt thì mỗi nơi một kiểu, gây ách tắc cho doanh nghiệp lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri huyện Củ Chi diễn ra sáng 11/10.

Phối hợp chặt chẽ với các vùng lân cận, đảm bảo lưu thông

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương huyện Củ Chi là một trong hai địa phương đầu tiên tại TP.HCM kiểm soát được dịch. Đây là điều đáng mừng, nhưng huyện cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xung quanh để đảm bảo an toàn trong cả y tế và phát triển, sản xuất.

Ông cũng cho biết TP.HCM đang có chủ trương phối hợp với các vùng lân cận để đảm bảo lưu thông hàng hóa.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương không "ngăn sông cấm chợ". Ảnh: Duy Anh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương không "ngăn sông cấm chợ". Ảnh: Duy Anh.

Thời gian qua, Bộ Chính trị đã có nhiều phiên họp đưa ra biện pháp chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ Zero Covid sang thích ứng an toàn với Covid-19. Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc về về phòng, chống dịch cũng đã chỉ đạo theo hướng này. Đó là bước chuyển phù hợp trong bối cảnh nhiều ca nhiễm. Riêng TP.HCM đã tiêm vaccine mũi 1 cho 97% dân số và mũi 2 cho gần 70% dân số.

“Với số lượng tiêm vaccine này và biện pháp 5K, chúng ta phải vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy kinh tế xã hội, không để TP.HCM rơi vào khủng hoảng sâu về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm của thành phố”, ông nói.

Chủ tịch nước nhấn mạnh kinh nghiệm của quốc tế và Việt Nam cho thấy thích ứng an toàn với Covid-19 vẫn là vaccine và 5K. “Trước hết là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Trong năm 2022, có thể phải tiêm mũi tăng cường bởi nếu kháng thể suy giảm thì nguy cơ dịch trở lại sẽ rất cao”, ông nói.

Chủ tịch nước đề nghị huyện Củ Chi đề cao cảnh giác với dịch bệnh, không được chủ quan. Khi có vaccine về huyện, người dân cần đi tiêm ngay để cơ bản phủ vaccine.

Ông cũng cho biết tiêm vaccine cho trẻ em để đến trường an toàn là vấn đề Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện, Bộ Y tế và hội đồng chuyên môn về vaccine đã đưa ra khuyến cáo, phấn đấu tiêm vaccine trong tháng 10, 11 cho trẻ em 12-18 tuổi.

Chủ tịch nước cho biết Pfizer đã cam kết cung ứng 20 triệu liều vaccine cho Việt Nam để tiêm cho trẻ em. Đây là kết quả từ chuyến làm việc của đoàn công tác Chủ tịch nước tại Mỹ và Cuba vào tháng 9 vừa qua. Nếu vaccine về sớm, cuối tháng 10 có thể tiêm vaccine cho trẻ, đẩy quá trình để trẻ em sớm được đến trường.

Đề nghị để trung tâm y tế trực thuộc UBND quận/huyện

Tiêm vaccine cho trẻ em, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở...là những vấn đề được nhiều cử tri kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri.

Cử tri xã Trung An cho biết khi dịch bùng phát, y tế cơ sở mà cụ thể là trạm y tế đóng vai trò rất quan trọng. Đây là đơn vị đầu tiên xử lý các yêu cầu y tế của người dân. Tuy nhiên, nhân lực tại trạm y tế còn mỏng, ví dụ Trạm Y tế xã Trung An chỉ có một bác sĩ. Do đó, cử tri đề xuất quan tâm bổ sung nhân sự cho trạm y tế song song với đầu tư cơ sở vật chất để chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bên cạnh đó, nữ cử tri này cũng kiến nghị trung tâm y tế quận/huyện/TP nên trực thuộc sự chỉ đạo của UBND từng địa phương (thay vì Sở Y tế như hiện nay). Việc này sẽ giúp huyện chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng và có một đầu mối thống nhất để cơ sở dễ thực thi.

 Các đại biểu lắng nghe ý kiến phát biểu của cử tri huyện Củ Chi. Ảnh: Duy Anh.

Các đại biểu lắng nghe ý kiến phát biểu của cử tri huyện Củ Chi. Ảnh: Duy Anh.

Cùng quan điểm, cử tri Xuân Thới Thượng cho biết mạng lưới y tế cơ sở hạn chế về nhân lực và cơ sở vật chất. Trước đây, trung tâm y tế thuộc quản lý của UBND quận/huyện, nhưng khi tổ chức lại thì thuộc quản lý của Sở Y tế TP. Để tạo điều kiện cho địa phương và nâng cao năng lực y tế cơ sở, ông đề xuất tổ chức lại hệ thống trung tâm y tế trực thuộc UBND quận/huyện, Sở Y tế TP chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn.

Cử tri xã Trung An, xã Xuân Thới Thượng, thị trấn Củ Chi, đều có chung đề nghị xem xét sớm tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi để trở lại trường học an toàn.

Một vấn đề khác được cử tri xã Thái Mỹ nêu ra là tình hình công nhân tại các tỉnh giáp ranh như Tây Ninh, Bình Dương đi qua Củ Chi để về các tỉnh miền Tây đã gây khó khăn lớn cho địa phương. Do khi đó, xã Thái Mỹ cũng như huyện Củ Chi chưa phối hợp với các tỉnh bạn nên công tác kiểm soát còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, cử tri kiến nghị ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương phối hợp tốt hơn để nắm bắt nhu cầu về quê của công nhân, đưa đón chu đáo, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an ninh trật tự.

Về vấn đề đầu tư y tế cơ sở, Chủ tịch nước nhắc lại tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành y tế, nhiều ý kiến đề nghị nâng cấp hạ tầng y tế cả về thiết bị, nhân lực, đặc biệt là xem xét cơ cấu tổ chức y tế phù hợp với cơ sở để hiệu quả hơn với thực tiễn.

“Vừa rồi, nhiều trạm trưởng y tế phản ánh khó khăn về nhân lực, thuốc men, cơ sở vật chất. Đây là nơi đầu tiên phát hiện, điều trị, hỗ trợ nhân dân. Chúng ta chưa coi trọng cái này. Y tế cộng đồng, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình là vấn đề rất lớn trong an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh”, ông lưu ý.

Chủ tịch nước cho hay quan điểm của ông nghiêng về hướng giao trung tâm y tế cho cấp quận/huyện quản lý để bộ máy điều hành chăm sóc nhân dân sớm hơn.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-tich-nuoc-yeu-cau-cac-dia-phuong-khong-ngan-song-cam-cho-post1269928.html