Chủ tịch nước: Yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ dân
Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải gây trở ngại, khó khăn.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự chiều 20/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay chúng ta có hệ thống công an xã khá hoàn chỉnh, có vị thế trong hệ thống công an cả nước và có chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ. Sắp tới Luật Công an xã sẽ có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn, chế tài ràng buộc hơn.
Theo Chủ tịch nước, vấn đề tội phạm ở nông thôn hiện phức tạp, việc bổ sung chức năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã rất cần thiết. Ông nói tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đưa ra.
Chủ tịch nước cũng cho rằng đây là nhiệm vụ và cũng là yêu cầu với công an xã hiện nay. Nếu không có ràng buộc thì việc nắm tình hình sẽ chưa đến nơi đến chốn. Phải yêu cầu cao hơn, độ chính xác cũng như trách nhiệm phải rõ ràng hơn, từ đó để công an xã sát dân, sát cơ sở hơn.
"Tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh mới có nhiều phức tạp, không những thành phố mà ở cả nông thôn, vấn đề trộm cắp, tội phạm, kể cả tội phạm công nghệ cao ở nông thôn phát triển. Vì thế, nhiệm vụ xử lý tin báo tố giác tội phạm thành nhiệm vụ chính trị của công an xã, rất cần thiết.
Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải cấp gây trở ngại, khó khăn", Chủ tịch nước nói.
Người đứng đầu Nhà nước đề nghị Bộ Công an có tổng kết, đánh giá hoạt động của công an xã để phát huy mặt tốt, chấn chỉnh tồn tại, kể cả vấn đề cơ sở vật chất, chỗ ở cho anh em cũng như phương thức hoạt động, sự phối hợp với đảng ủy xã, chính quyền xã, phối hợp với dân quân địa phương.
Phát biểu thảo luận về nội dung này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng xã, phường đứng về mặt hành chính là ngang nhau, nhưng hiện quy mô công an phường, công an thị trấn và xã khác nhau.
"Quy mô của xã chỉ bằng 1/5 của phường, nhưng thực tế có nhiều xã phức tạp hơn phường nhiều. Như những xã đang đô thị hóa, xã ven đô, xã vùng sâu, vùng xa, vùng phức tạp; có những xã đi trong xã không thôi cũng gần trăm cây số.
Nếu chúng ta không tổ chức việc này thì dân chưa bao giờ được hưởng thụ những vấn đề bảo đảm về ANTT, những bức xúc của người dân không được giải quyết, mà lên huyện thì càng xa... Gần dân, sát dân của cấp xã là rất quan trọng", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, gần 2 năm qua Bộ đã điều động khoảng 45.000 công an chính quy xuống 100% xã, đạt tỷ lệ trung bình 5,2 công an chính quy/xã.
"Thực tế, từ 1/10/2017 đến tháng 6/2021, công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Nếu không phân cấp cho xã sẽ rất khó khăn, bởi vì những vấn đề này cần giải quyết từ sớm, từ xa; nếu kéo dài không giải quyết có thể dẫn đến một vụ án hình sự khác", bộ trưởng nói.
Trung bình một năm 1 công an xã chính quy tiếp nhận 0,84 tố giác, tin báo tội phạm; công an phường, thị trấn tiếp nhận 1,3%. Bộ trưởng khẳng định, khi sắp xếp lại, đưa cán bộ tăng cường xuống xã, Bộ Công an không tăng biên chế mà chỉ tính toán trong nội bộ. Cho đến hiện nay cũng không tăng biên chế mà áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tăng cường cơ sở với chủ trương cơ quan bộ chỉ chiếm 15% quân số, còn lại tập trung ở quận, huyện, ở xã.