Chủ tịch phường hãy lên tiếng
Ngay sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, hôm 29/8, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã ra một văn bản khuyến cáo người dân trong vòng 1km nơi cháy cần không dùng thực phẩm, và có những biện pháp phòng tránh khác.
Đây là một quyết định tuyệt vời của một lãnh đạo cấp gần dân nhất, lo cho sức khỏe người dân. Nhiễm độc thủy ngân không phải chuyện đùa, nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, đã từng gánh hậu quả nhiễm độc thủy ngân, ngay cả khi xét nghiệm trên người nghi bị phơi nhiễm hoàn toàn âm tính nhưng đã có hàng loạt đứa bé sinh ra bởi cá thể “nghi ngờ” đó mang dị tật.
Ai cũng biết rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng vì nhiều lý do như: Không phải thẩm quyền, không phải nhiệm vụ của mình nên đã chần chừ những quyết định sáng suốt với phương châm cứu người là trên hết. Thậm chí còn tư duy: Cấp phường là cấp thừa hành thì ra quyết định cái nỗi gì? Tôi nhớ câu: Trong lúc nước sôi lửa bỏng phải quyết định ngay, chờ quyết định có khi nước mất, nhà tan, huống hồ sức khỏe bản thân. Suy nghĩ “không phải việc của mình” với vô cảm có ranh giới mong manh.
Nói vậy, để thấy khi Chủ tịch phường ra quyết định thu hồi mới thấy sự ràng buộc các quy định cứng nhắc như thế nào. Đây cũng là sự kiện khiến nhiều người trong giới khoa học buồn lòng. Bởi đơn giản, khi có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm, đất, nước… vùng nghi ô nhiễm để ra văn bản khuyến cáo chính thống thì có khi những đối tượng cần được khuyến cáo đã bị nhiễm bệnh, nhiễm độc. TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, bày tỏ chuyện ông rất bất ngờ trước việc thu hồi văn bản của chính quyền phường Hạ Đình.
Sau 1 tuần vụ cháy, kết quả quan trắc môi trường cho biết nồng độ thủy ngân không khí trong khuôn viên bị cháy gấp 10 - 30 lần cho phép của tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngưỡng ảnh hưởng rất xấu sức khỏe con người…
Điều đó càng chứng tỏ, khuyến cáo của chính quyền phường Hạ Đình là kịp thời, chính xác. Tận đáy lòng, tôi thấy những người làm việc ở phường Hạ Đình đã sáng suốt khi ra quyết định như vậy. Có lẽ, khi ra quyết định trọng đại, ảnh hưởng đến nhiều người dân, đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, lãnh đạo phường cũng đã phải nghĩ đến “quy trình”, “chức năng”, nhiệm vụ”…
Nhưng thử hỏi việc cấp kỳ như vỡ đê thì làm sao? Có huy động ngay dân, quân ra hộ đê, hay làm văn bản báo cáo cấp trên?
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, chính quyền phường Hạ Đình khi ra khuyến cáo chứng tỏ có sự hiểu biết rất tốt về khoa học môi trường. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm: Môi trường rất thiết thực với cuộc sống mỗi con người, trước hết là về sức khỏe. Môi trường sạch, đương nhiên sức khỏe con người tốt hơn. Thêm liên tưởng: Chính quyền phường rất gần gũi với cuộc sống từng hộ gia đình, từng người dân, hàm lượng tri thức ở cấp cơ sở là vô cùng quan trọng. Đấy là vấn đề tư duy.
Chẳng hạn, các nước tiên tiến hết sức coi trọng lực lượng lượng giáo viên cấp “vỡ lòng”, tiểu học vì họ chính là những người thầy xây dựng “nền móng” kiến thức, thậm chí cả tư tưởng, đạo đức cho học sinh. Chúng ta thì đang… nghĩ ngược.
Mong lãnh đạo phường tiếp tục có những quyết định dũng cảm, vì dân.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tieng-dan-chu-tich-phuong-hay-len-tieng-351879.html