Chủ tịch Quốc hội: Cần áp dụng mạng xã hội nhiều hơn cho truyền thông chính sách
Đó là thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 7/3.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước. Nhất là với việc thông qua Luật Đất đai, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định.
"Hiện tượng khá mới là sự tham gia của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, nhất là dự án Luật Đất đai. Tôi theo dõi thấy mừng lắm, có những TikToker, blogger phân tích khoản 4 của Luật Đất đai, tức là định nghĩa thế nào người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt Nam... Một buổi lên sóng như vậy thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem", Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cách thức tuyên truyền này thu hút rất nhiều người tham gia phân tích những điểm mới của luật với từng đối tượng. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, mạng xã hội chính là kênh truyền thông giới thiệu cho một số tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng. Nếu không có hiệu ứng truyền thông xã hội thì người dân cũng không biết đến phim "Đào, Phở và Piano".
Chủ tịch Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu biên soạn, xuất bản sách: Luật Đất đai - Hỏi và Đáp để đáp ứng yêu cầu phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Chính phủ, Thủ tướng cần phổ biến, giới thiệu các nội dung của luật, nghị quyết và văn bản hướng dẫn thi hành để cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả triển khai thi hành Luật Đất đai rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện rất lớn. Các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6 cuối năm ngoái và kỳ bất thường thứ 5 đầu năm nay có rất nhiều điều, nội dung khó cần được Chính phủ quy định chi tiết. Trong đó, các luật lớn như Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đòi hỏi cao về tiến độ triển khai và đồng bộ.
* Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương và 260 điều, hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó, Điều 190 quy định về hoạt động lấn biển và Điều 248 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ ngày 1/4 năm nay.
So với luật hiện hành, Luật Đất đai sửa đổi 2024 có năm nhóm vấn đề mới, trong đó quy định bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp phục vụ kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tài chính đất đai như định giá đất, ổn định tiền thuê đất và nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý nhà nước.