Chủ tịch Quốc hội: Cân nhắc về cấu thành giá khám chữa bệnh

Theo Chủ tịch Quốc hội, đưa chi phí khác, giá trị vô hình của thương hiệu vào cấu thành giá khám chữa bệnh là không khả thi.

Sáng 14-12, tiếp tục phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB, sửa đổi).

“Sáng sớm 4-5 giờ, có đồng chí có trách nhiệm rất cao gọi điện thoại cho tôi về chuyện này, rất lo lắng. Tôi bảo làm gì có, đồng chí nói thế thì tốt. Nhưng bây giờ đọc lại thì đúng là có thật” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói về quy định liên quan đến giá dịch vụ KCB tại dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 18 vào ngày 14-12. Ảnh: P.THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 18 vào ngày 14-12. Ảnh: P.THẮNG

Tự làm khó mình

Ông Vương Đình Huệ đề nghị rất cân nhắc khi quy định “giá trị vô hình của thương hiệu” là một trong những yếu tố cấu thành giá KCB. Theo ông, Bộ Tài chính từng đưa nội dung xác định giá trị của thương hiệu, lịch sử... vào một nghị định và giờ đang “chết dở”, phải nghiên cứu sửa đổi. “Đưa vào không tính được đâu, mà cũng chẳng ai tính cho đâu. Mù mờ thế này thì chết anh em thôi” - Chủ tịch QH nói.

Về các chi phí tính giá thành toàn bộ của dịch vụ KCB, Chủ tịch QH cho hay hiện chúng ta mới tính được hai mục là chi phí nhân công và chi phí hàng hóa. Phần chi phí khấu hao và chi phí quản lý đã có lộ trình để tính đúng, tính đủ nhưng do tình hình khó khăn nên chưa thực hiện được, mệnh giá bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chưa nâng lên được.

“Giờ có thêm “chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” thì tôi không hiểu chi phí khác là chi phí gì? Mù mờ thì càng khó cho mình thôi, tự làm khó mình thôi. Mai mốt các cơ quan hỏi, đoàn giám sát của QH hỏi chi phí khác không thấy tính là chết rồi!” - Chủ tịch QH lưu ý.

Ông cũng đề nghị xem lại dự thảo là giao Bộ Y tế quy định giá tối đa dịch vụ KCB đối với các cơ sở KCB của Nhà nước.

“Chúng ta đang phấn đấu có cơ sở KCB chất lượng cao để tránh chảy máu ngoại tệ. Hằng năm người dân chi bao nhiêu đô la sang Hong Kong, Singapore, Nhật Bản... KCB, trong khi cơ sở nhà nước hoàn toàn có thể làm trung tâm KCB chất lượng cao theo yêu cầu” - ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch QH đề nghị nội dung này chỉ nên quy định giá dịch vụ gồm những gì; thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ; Nhà nước, cụ thể là Chính phủ, Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đối với các dịch vụ KCB bằng BHYT.

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, sở dĩ chúng ta chưa đưa được chi phí khấu hao, chi phí quản lý vào giá thành dịch vụ KCB do mệnh giá BHYT quá thấp.

“Tôi nói đi nói lại nhiều lần rồi. Mệnh giá BHYT của ta giờ khoảng 40-50 USD thôi, trong khi danh mục thì rất nhiều. Thái Lan ít nhất là 120 USD, danh mục ít” - ông Vương Đình Huệ nói.

Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cho hay nếu nâng mệnh giá BHYT sẽ liên quan đến khả năng chi trả của người dân và khả năng chi trả của Nhà nước, vì một tỉ lệ rất lớn BHYT là Nhà nước hỗ trợ. Do vậy, thực hiện việc này cần có lộ trình.

Ông Vương Đình Huệ khẳng định nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ và lộ trình này nên quy định trong luật vì đã quy định thì phải thực hiện. Muốn thực hiện phải có tài chính đi kèm, tức là phải bố trí để tăng mệnh giá BHYT lên...

“Giờ có thêm “chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh” thì tôi không hiểu chi phí khác là chi phí gì? Mù mờ thì càng khó cho mình thôi...”

Ông Vương Đình Huệ

Chưa rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia

Trình bày báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề.

Cho ý kiến, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu hàng loạt băn khoăn: Hội đồng này do ai thành lập, là tổ chức xã hội nghề nghiệp hay quản lý nhà nước, hay cả hai? Bộ Y tế có quản lý không?

“Một tổ chức quyết định sinh mạng hàng vạn người hành nghề lĩnh vực này mà để mù mờ thế thì không được. Tôi không tán thành chuyện này” - ông Vương Đình Huệ đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo “địa vị pháp lý” của hội đồng này.

“Hội đồng Y khoa quốc gia, nếu có thì chỉ làm đầu mối thôi chứ không thể làm mọi thứ cho hàng vạn người hành nghề y” - Chủ tịch QH nhấn mạnh và nói thêm rằng trong đánh giá năng lực hành nghề, phải tránh trường hợp người không hiểu biết đánh giá các chuyên gia.

Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận cách thể hiện trong dự thảo luật về Hội đồng Y khoa quốc gia “chưa rõ”. Dẫn mô hình Hội đồng Giáo sư ở nước ta, Phó Thủ tướng nói các nước không có mô hình này mà các trường tự công nhận. Nhưng trong điều kiện Việt Nam, chúng ta vẫn phải lập ra một cơ quan có một phần can dự của Nhà nước, trực tiếp ở đây là bộ trưởng Bộ GD&ĐT, còn lại là các nhà khoa học.

“Anh em cũng muốn đưa ra vận dụng, bộ trưởng Bộ Y tế sẽ làm chủ tịch (Hội đồng Y khoa quốc gia). Trong trường hợp bộ trưởng không nhất thiết phải là bác sĩ thì sẽ chủ trì công việc thế nào? Chúng tôi đang thảo luận, Chính phủ sẽ điều chỉnh cái này” - Phó Thủ tướng nói thêm.

Khẳng định Hội đồng Y khoa “chỉ là đầu mối chủ trì và làm một số việc”, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng nhất của hội đồng này là xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi lý thuyết và các nội dung kiểm tra thực hành.

“Đây sẽ chỉ là câu hỏi lý thuyết, kỹ năng thực hành tối thiểu để làm sao cho việc kiểm tra và thi rất nhẹ nhàng chứ không phải một kỳ thi tốt nghiệp thứ hai” - Phó Thủ tướng nhận định.•

Các yếu tố cấu thành giá khám chữa bệnh

(1) Giá thành toàn bộ của dịch vụ KCB.

(2) Lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có).

(3) Các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

(4) Giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có).

(Điều 110 dự thảo luật)

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-quoc-hoi-can-nhac-ve-cau-thanh-gia-kham-chua-benh-post712263.html