Chủ tịch Quốc hội: Chính sách hỗ trợ cần xác định đúng và trúng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng gói phục hồi kinh tế cần tập trung tăng tổng cung - cầu, phối hợp hài hòa chính sách tài khóa tiền tệ và chính sách vĩ mô khác.
Phát biểu bế mạc diễn đàn kinh tế 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận các cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ông, tác động của đại dịch là bất ngờ, chưa có tiền lệ và đã gây ra hậu quả nặng nề, sâu rộng. Theo tính toán, trong 2 năm Việt Nam đã thiệt hại khoảng 847.000 tỷ đồng.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hiện nay cần tập trung tăng tổng cung - cầu, phối hợp hài hòa chính sách tài khóa tiền tệ và chính sách vĩ mô khác. Ngoài ra, chương trình phải có quy mô đủ lớn, bao phủ rộng, thời điểm hợp lý, có lộ trình từ 2022-2023 hoặc đến 2024 đối với dự án đầu tư dài hạn. Các chính sách hỗ trợ cần xác định đúng và trúng đối tượng.
Cần có thể chế giám sát, kiểm tra tránh thất thoát
Ông đánh giá một trong những điểm nghẽn là tốc độ tăng trưởng tín dụng và thực thi giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, do đó cần cải thiện khả năng hấp thụ nền kinh tế.
"Có thể chấp nhận một số thay đổi trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn phải đảm bảo an toàn các chỉ số tài chính và tiền tệ quốc gia", ông nhấn mạnh.
Đặc biệt cần có thể chế giám sát, kiểm tra tránh thất thoát, lãng phí. "Khủng hoảng lần này xuất phát từ yếu tố phi tài chính, yêu cầu đặt ra là không chỉ khắc phục khủng hoảng y tế, mà còn phải tính toán tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, số, bền vững", ông nói.
Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm không có doanh nghiệp thì không có thuế, thu nhập cho ngân hàng. "Do đó, các ngân hàng phải tiếp tục củng cố quan niệm, nhận thức này. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu, cũng chính là giúp cho chính mình", ông lưu ý.
"Suy cho cùng, Việt Nam phải áp dụng theo cách của Việt Nam, học tập kinh nghiệm thế giới triệt để. Giảm để tăng như giảm thuế trước bạ để tăng tổng thu, giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng, từ đó có thêm doanh thu bán hàng hóa dịch vụ", ông nói.
Mặt khác về ý kiến cho rằng tài khóa nên tập trung phát tiền cho dân nhiều hơn, ông Huệ cho rằng điều đó đúng nhưng ở Việt Nam có sự khác biệt. Vừa qua Chính phủ đã có trợ cấp trực tiếp bằng tiền tiết kiệm bằng các quỹ.
"Nhưng ở Việt Nam, bội chi ngân sách chỉ để dùng để đầu tư. Do đó phải hỗ trợ bằng cách khác như giảm 20% thuế VAT tác động đến thu ngân sách 70.000-80.000 tỷ đồng. Như vậy người dân cũng được thụ hưởng và kích cầu tiêu dùng nội địa", ông phân tích.
Về lo ngại hạn chế của gói hỗ trợ năm 2009 của một số chuyên gia, Chủ tịch Quốc hội cho rằng áp dụng chưa tốt là đúng.
"Nhưng lúc đó hỗ trợ tràn lan, còn bây giờ một số ngân hàng vẫn đang hỗ trợ và hoàn toàn thực hiện được. Dễ làm khó bỏ thì không nên, cần có gói hỗ trợ về lãi suất tập trung vào một số ngành có khả năng phục hồi", ông Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá các ý kiến, những giải pháp là tư liệu quan trọng để xây dựng, hoàn thiện chương trình tổng thế các gói chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Đề xuất gói an sinh xã hội 58.000 tỷ đồng
Tại phiên thảo luận về các nội dung bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế chiều 5/12, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội - nhận định đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến việc làm và đời sống lao động.
Ông cho biết đã có 4 gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội tổng trị giá 150.000 tỷ đồng. Nhiều gói chính sách hiện nay đã giải ngân vượt như: Nghị quyết 68 dự toán 26.000 tỷ đồng nhưng đã giải ngân 29.000 tỷ đồng, Nghị quyết 116 đến nay đã giải ngân gần 30.000/38.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng có các gói chính sách đặc thù như TP.HCM 10.000 tỷ đồng, Khánh Hòa 396 tỷ đồng...
Lãnh đạo Bộ Lao động thương binh và xã hội cho rằng cần có chương trình phục hồi tăng cường năng lực hệ thống cơ sở, tiêm mũi 3 vaccine cho người lao động. Đồng thời tăng cường phát triển đảm bảo giao thông phục vụ đi lại lao động, chuyên gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhà ở, tăng quỹ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động.
"Đặc biệt có giải pháp tăng cường kết nối lao động, giúp người lao động tìm việc dễ dàng. Ngoài ra có giải pháp chăm lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bảo đảm thực hiện đúng chủ trương không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà ở", ông Hồi nhấn mạnh.
Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện hàn lâm khoa học xã hội - cho rằng, các gói cứu trợ kinh tế cần phải được thực hiện kịp thời, đủ liều lượng, quy mô và hiệu quả. Cụ thể, với gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho 4,1 triệu người lao động với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng trong 6 tháng. Hỗ trợ cho khoảng 2,68 triệu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương khoảng 10.000 tỷ đồng…
Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam - cho rằng cần phải sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn chính sách tiền tệ. Rõ ràng trong bối cảnh khủng hoảng này thì chính sách tài khóa phải hỗ trợ nguồn cung và thúc đẩy tiêu dùng.
"Trên thế giới, nhiều nước đã chuyển tiền cho người mất việc làm thông qua chương trình hỗ trợ, và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Việt Nam, việc hỗ trợ tiền mặt chưa được sử dụng nhiều", ông nhìn nhận.
Do đó, theo ông Pincus, Việt Nam cần xem lại và thay đổi cơ cấu an sinh xã hội để phù hợp với tình hình mới và ngân sách sẽ phải chi tiền, chứ không chỉ trông vào hệ thống quỹ bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội như hiện nay. Một khảo sát mới của UNDP cho thấy rất nhiều người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh không tiếp cận được gói hỗ trợ thứ nhất.
"Chính vì vậy, cần tạo ra hệ thống chuyển tiền tới người cần hỗ trợ nhất, đặc biệt là lao động tự do, lao động di cư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần hỗ trợ vận chuyển, tiền thuê nhà cho người lao động...", ông đề xuất.
Việt Nam vẫn cần thêm gói hỗ trợ an sinh bằng tiền mặt, hỗ trợ nhà ở, hiện đại hệ thống chi trả cho các đối tượng yếu thế.