Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Hội đồng bầu cử Quốc gia

Chiều 3/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia lần này sớm hơn một kỳ họp so với các nhiệm kỳ trước là để giúp Hội đồng có điều kiện sớm đi vào hoạt động và có quỹ thời gian nhiều hơn để hướng dẫn các quy định mới của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung.

Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia đã nghe Tờ trình và thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết làm cơ sở cho việc triển khai hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Hội đồng đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết phân công thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia; Dự thảo Nghị quyết quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia; Dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia và bổ nhiệm Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia; Dự thảo Nghị quyết thành lập các Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin tuyên truyền; Tiểu ban an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Từ kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, dự kiến, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ thành lập 4 Tiểu ban giúp việc do 4 Phó Chủ tịch Quốc hội trực tiếp chỉ đạo, bao gồm: Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin tuyên truyền; Tiểu ban An ninh trật tự, an toàn xã hội và Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Trong đó, Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia về công tác rà soát, thẩm định hồ sơ nhân sự, người ứng cử; lập danh sách các đơn vị bầu cử; lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội; giới thiệu và phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương về các địa phương; xác nhận và công bố kết quả bầu cử; thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội.

Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiệm vụ giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử theo quy định của pháp luật.

Tiểu ban Văn bản pháp luật và thông tin tuyên truyền giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về bầu cử, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu.

Tiểu ban An ninh trật tự, an toàn xã hội giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử.

Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia là cơ quan giúp việc Hội đồng Bầu cử quốc gia do Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia thành lập, giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia và các Tiểu ban giúp việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và chỉ đạo hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-quoc-hoi-chu-tri-phien-hop-thu-nhat-hoi-dong-bau-cu-quoc-gia-post89406.html