Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp Tiểu ban văn kiện của Đảng bộ Quốc hội
Ngày 8/5, tại Nhà Quốc hội, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Phiên họp thứ nhất, Tiểu ban văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ I.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ Nhất, Tiểu ban văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ I
Phiên họp lần thứ nhất nhằm công bố Quyết định thành lập Tiểu ban Văn kiện; triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động, Quy chế làm việc, thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên của Tiểu ban Văn kiện và cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030.
Triển khai Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng ủy Quốc hội đã thành lập 5 Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện và xác định thời gian tiến hành Đại hội lần thứ I, dự kiến vào tháng 9/2025.
Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội đã ban hành Kế hoạch hoạt động, Quy chế làm việc, thông báo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Tiểu ban và thành lập Tổ Biên tập giúp việc Tiểu ban Văn kiện. Chủ động tổ chức triển khai nhiệm vụ, phối hợp chuẩn bị dự thảo bước đầu các văn kiện đại hội, bao gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ Quốc hội nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội…
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao Bộ phận Thường trực Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo Tổ Biên tập dự thảo bước đầu các văn kiện, nhất là Đề cương Báo cáo chính trị để trình Tiểu ban thảo luận và cho ý kiến tại phiên họp lần thứ nhất này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ I tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa hết sức lịch sử, trong bối cảnh cả nước tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đất nước chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho kỷ niệm 80 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết 57 về lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 66 về xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật do Tổng bí thư Tô Lâm là Trưởng ban chỉ đạo; ngày 4/5, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo Chủ tịch Quốc hội, những nghị quyết quan trọng này tạo tiền đề để Quốc hội tiếp tục đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, giám sát, cũng như quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Với ý nghĩa như vậy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong các thành viên Tiểu ban tập trung thảo luận và cho ý kiến cụ thể vào đề cương Báo cáo Chính trị trình đại hội, trọng tâm là bố cục nội dung: Chủ đề đại hội; Phương châm của đại hội; Quan điểm, mục tiêu; Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp … để Thường trực Tiểu ban Văn kiện tiếp thu, chỉ đạo Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện, thống nhất về Đề cương và triển khai xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các đảng bộ trực thuộc trước khi trình ra Đại hội tạo sự đồng thuận và nhất trí cao.
Về dự thảo Báo cáo chính trị, Chủ tịch Quốc hộ lưu ý bám sát đề cương hướng dẫn của Trung ương; nhận diện rõ, nêu đầy đủ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, logic với phần nội dung viết về giải pháp khắc phục.

Quang cảnh phiên họp
"Có hay không tình trạng “nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo”, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, báo cáo không trung thực, cán bộ thiếu năng lực, thiếu gương mẫu, cục bộ, bè phái. Đánh giá này chúng ta làm sao làm thực chất và khách quan để tìm ta biện pháp khắc phục. Xác định nội dung, giải pháp đột phá, gắn với mục tiêu tăng trưởng, nhiêm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm chưa được khắc phục" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý không để xảy ra tình trạng sao chép, rập khuôn báo cáo một cách máy móc hoặc qua loa, đại khái. Tinh thần phải ngắn gọn, súc tích, song nội dung phải đầy đủ, sâu sắc, toàn diện, đảm bảo tính hành động cao, có thể triển khai ngay. Văn kiện dựa vào tình hình cụ thể của cơ quan Quốc hội cho phù hợp.
Đại hội làm không hình thức qua loa mà thực chất thiết thực, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, để các cơ quan của Quốc hội thực sự đổi mới
Tại phiên họp, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Nguyễn Thanh Hải công bố Quyết định thành lập Tiểu ban Văn kiện. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban có 25 thành viên.
Các thành viên của Tiểu ban đã góp ý cụ thể về Đề cương “Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030”.