Chủ tịch Quốc hội: Có việc kéo dài 10 - 20 năm, nhưng ở dưới đùn đẩy, giải quyết không triệt để
Sáng 26-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân với những đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên so với năm 2023, số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng rất mạnh (bằng 229%). Ngược lại, số đoàn đông người đến các bộ, ngành lại giảm 55%.
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng nhắc đến theo số liệu trong báo cáo cho thấy, tình trạng thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Đồng thời, do còn thiếu số liệu của nhiều địa phương nên chưa có đầy đủ cơ sở so sánh với năm 2023 để chứng minh thuyết phục, đầy đủ cho nhận định, đánh giá nêu trên.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, năm 2024, cơ quan hành chính nhà nước các cấp giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ 80,2%, chưa đạt mục tiêu 85% mà Chính phủ đề ra trong báo cáo năm 2023. Đặc biệt, ở các địa phương, tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 76,8%. Bên cạnh đó, kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu cho thấy, số khiếu nại có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 18%, đồng nghĩa với tỷ lệ giải quyết công việc có sai sót còn khá cao từ phía các cơ quan quan nhà nước.
Về kết quả giải quyết tố cáo, năm 2024 các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết đạt tỷ lệ 84,6% vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, tiệm cận sát mục tiêu “đạt tỷ lệ trên 85%” mà Chính phủ đề ra trong kỳ báo cáo năm 2023. Bên cạnh đó, mặc dù số liệu chưa đủ, nhưng kết quả tổng hợp bước đầu cho thấy, số tố cáo có nội dung đúng đạt tỷ lệ 37,4%, tăng mạnh so với năm 2023 (23,2%) cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức chưa được khắc phục, có phần còn nặng nề hơn.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, khiếu nại đúng chiếm 18%, tố cáo đúng chiếm 37,4% cho thấy công tác xử lý hành chính của các cơ quan bị người dân khiếu nại có phần chưa tốt.
Về tiếp công dân, bà Lê Thị Nga nêu rõ, có một số đơn vị, cá nhân không tiếp công dân. Từ đó, đề nghị báo cáo cần nêu rõ địa phương nào, bộ ngành nào tiếp công dân tốt và những đơn vị nào người đứng đầu ít tiếp công dân.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị, tiếp công dân làm sao phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, ở các bộ, ngành. Vì qua thông tin đó có thể phát hiện từ sớm, từ xa để ngăn ngừa các vụ việc có thể ảnh hưởng lớn đến thiệt hại. Trong luật tiếp công dân quy định lịch tiếp công dân phải công khai trên cổng thông tin điện tử.
Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, các vụ việc tồn đọng có vụ việc trung ương chuyển địa phương giải quyết nhưng địa phương không có khả năng giải quyết do tồn đọng lâu. Bên cạnh đó, có vụ việc cả trung ương và địa phương cùng giải quyết, khi địa phương giải quyết xong thì người dân vẫn khiếu nại. Do đó, Chính phủ cần quan tâm, nên có biện pháp rà soát lại các vụ việc nào đã khẳng định là đúng theo quy định của pháp luật thì cần thông báo, giải thích vận động người dân chấp hành chứ không nên để tồn đọng kéo dài từ năm này qua năm khác.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tỷ lệ các vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 6% so với cùng kỳ 2023, do đó việc quan tâm rà soát hoàn thiện trên các lĩnh vực còn chậm. Việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa bảo đảm số ngày theo quy định.
“Nếu tiếp công dân đúng thì khiếu nại, tố cáo sẽ giảm. Cấp xã nếu giải quyết triệt để tận gốc sẽ không lên huyện, huyện không lên tỉnh, tỉnh quan tâm thì không có đoàn lên Trung ương”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ yếu các đoàn đông người đến các bộ, ngành giảm nhưng đến Thanh tra Chính phủ lại tăng. Cần phân tích rõ số liệu các vụ tồn đọng phức tạp kéo dài, làm rõ tình trạng chậm xem xét giải quyết, hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư công dân do các cơ quan Quốc hội chuyển đến. Có vụ việc kéo dài 10 năm, 20 năm, có ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng ở dưới đùn đẩy, một số cơ quan không giải quyết triệt để.