Chủ tịch Quốc hội: Cuộc sống không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 25-10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án luật này, cho rằng việc tháo gỡ vướng mắc tại thị trường bảo hiểm là điều rất quan trọng cho thị trường vốn.
Thị trường bảo hiểm rất quan trọng cho thị trường vốn
Phát biểu thảo luận, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Cuộc sống không có bảo hiểm giống như đi cầu thang mà không có tay vịn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sửa đổi luật lần này nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh dư địa của thị trường bảo hiểm nước ta còn rất nhiều như bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ…
“Tháo gỡ vướng mắc tại thị trường bảo hiểm là điều rất quan trọng cho thị trường vốn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội lý giải, bảo hiểm là một loại hình dịch vụ, ngày càng có giá trị gia tăng cao và hiện đại. Chủ trương của chúng ta là tốc độ tăng dịch vụ nhanh hơn tốc độ tăng GDP, trong đó chú trọng vào các loại hình dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics…
Góp ý thêm về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần rà soát lại nội dung lĩnh vực bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát bảo đảm phát triển cân đối hài hòa, đáp ứng nhu cầu của thị trường bảo hiểm kể cả nhân thọ và phi nhân thọ; bảo hiểm và tái bảo hiểm... Trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…”, Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
Đi sâu vào phân tích, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phát triển các sản phẩm bảo hiểm cho nông, lâm, ngư nghiệp rất khó khi tính toán chi phí nhưng không thể không làm. Bởi lẽ, điều này giúp người dân an tâm hơn trong cuộc sống.
“Tới đây, chúng ta vừa phòng, chống dịch vừa phải phục hồi kinh tế. Nếu có dự án luật mới đi vào thực tế cuộc sống "đẩy" thị trường bảo hiểm lên cũng là một giải pháp thiết thực”.
Về hiệu lực của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tháng 5-2022, chúng ta dự kiến phê chuẩn dự án luật mà đến tháng 7 năm 2023 mới có hiệu lực là muộn.
“Cá nhân tôi ủng hộ việc nếu sang năm ban hành thì đến ngày 1-1-2023, luật này sẽ có hiệu lực thực thi. Ngay ở thời điểm này phải dự thảo các văn bản hướng dẫn, đến khi thông qua còn 6 tháng nữa, mới không có lý do gì để kéo dài ban hành văn bản”.
Làm sao thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn Quảng Ninh), dự thảo Luật cần làm rõ hơn về các khái niệm: “bảo hiểm sinh kỳ”, ”bảo hiểm tử kỳ”, ” bảo hiểm vi mô”... để người đọc dễ hiểu và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, phân loại, phân nhóm bảo hiểm rõ ràng hơn thay vì quy định quá chi tiết vì sẽ liệt kê không hết được.
Nhấn mạnh từ góc độ nhà nước, bảo hiểm là nguồn lực rất tốt cho việc tái đầu tư, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, chúng ta cần có những quy định làm sao thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm.
Còn đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) thì cho rằng, hiện nay tổng doanh thu từ thị trường bảo hiểm nước ta đang thấp, đóng góp cho nền kinh tế trong nước từ lĩnh vực này cũng còn rất hạn chế, mặc dù đây là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn.
Đại biểu tỉnh Yên Bái cho rằng, trong lần sửa đổi này, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những quy định thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, an toàn, minh bạch và công bằng, tạo ra nguồn thu lớn đóng góp cho nền kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện sớm các quy định về kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để có thể can thiệp sớm đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia.